Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, dự kiến tổng sản lượng lúa đạt khoảng 44,207 triệu tấn (Đông Xuân 19,484 triệu tấn, Hè Thu 11,85 triệu tấn, Thu Đông 4,431 triệu tấn, lúa Mùa 8,442 triệu tấn). Sau khi trừ tiêu dùng nội địa trong năm 2016 khoảng 28,26 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ cả năm khoảng 16 triệu tấn, tương đương 8 triệu tấn gạo. Tồn kho của doanh nghiệp tính đến 31/10 là trên 1,191 triệu tấn. Với nguồn cung gạo trên thị trường hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước ở những tháng cuối năm, nhất là Tết Nguyên Đán 2017. Nếu làm tốt công tác bình ổn giá sẽ không có biến động về giá lương thực.
Đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho Tết. Ảnh: TTXVN |
Về mặt hàng đường, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến 10/11 là 95.315 tấn. Trong tháng 10, giá đường tiếp tục giữ xu hướng tăng từ tháng trước. Hiện nay, đã bắt đầu vào vụ mới, tuy nhiên các nhà máy vào vụ muộn hơn. Đến cuối tháng 10, chỉ có 4 nhà máy vào vụ 2016/2017. Nguyên nhân là do lũ về muộn, nông dân không phải thu hoạch mía chưa chín để chạy lũ. Các nhà máy còn lại ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số nhà máy ở Đông Nam bộ và miền Trung sẽ tiếp tục vào vụ trong tháng 11. Sản lượng đường tháng 11 ước đạt 60.000 tấn.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, giá đường có khả năng có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu cao sản xuất bánh kẹo, đồ uống… phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối có kế hoạch theo dõi sát giá đường do nhu cầu sử dụng đường cao sắp tới trong bối cảnh mùa vụ sản xuất đường chậm hơn mọi năm. Tích cực chỉ đạo các nhà máy sản xuất đường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn được tiếp cận trực tiếp nguồn hàng tại nhà máy, tránh mua qua trung gian, đẩy giá đường lên cao.
Về thực phẩm, đối với sản phẩm chăn nuôi, theo đại điện Cục Chăn nuôi dự báo sản lượng thịt hơi các loại năm nay dự kiến đạt trên 5 triệu tấn, tăng 5,8%. Dự kiến 2 tháng cuối năm sản lượng thịt các loại khoảng gần 900.000 tấn… đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước cuối năm, nhất là thịt lợn. Việc thiên tai, mưa lũ đã diễn ra tại các tỉnh khu vực miền Trung tuy gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung sản phẩm và thị trường tiêu thụ các tháng cuối năm cũng như lễ, tết sắp tới.
Từ cuối tháng 10 đến nay, giá rau xanh có xu hướng tăng do bắt đầu vào vụ Đông, mưa lớn tại miền Trung kéo dài, gây ngập úng nhiều diện tích rau màu tại các tỉnh miền Trung, miền Nam như Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tp. Hồ Chí Minh… Nhiều vùng trồng rau bị hư hại nặng ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá rau xanh tăng mạnh từ 20-50% so với tháng trước. Riêng tại miền Bắc, giá các loại rau củ quả tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu không có biến động lớn về thời tiết khí hậu thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là dịp cuối năm. Dự kiến sản lượng rau năm nay đạt 15,75 triệu tấn, tăng 5% so với 2015.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y nhằm đảm bảo đủ nguồn cung có chất lượng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đặc biệt phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tổ chức kiểm tra triệt phá tận gốc đường dân buôn bán chất cấm; kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm, hàng không rõ nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết.