Theo kế hoạch bay, ngày 1/5 sẽ là cao điểm nhất trong kỳ nghỉ lễ với 538 lượt chuyến bay; trong đó, có 303 lượt chuyến nội địa, 235 lượt chuyến quốc tế với 94 nghìn lượt khách (57 nghìn lượt khách nội địa và 37 nghìn lượt khách quốc tế).
Tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, 2 khung giờ cao điểm khách đi nội địa từ 6 - 7 giờ và 16-17 giờ với hơn 2 nghìn lượt khách/giờ. Cùng đó là 16 khung giờ cao điểm khách đến nội địa rải đều từ 6-23 giờ cùng ngày, với hơn 2 nghìn lượt khách/giờ cao điểm; trong đó, 5 khung giờ có hơn 3 nghìn khách/giờ cao điểm.
Tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng số chuyến bay dự kiến trong ngày cao điểm 1/5 có 740 chuyến bay, với sản lượng hành khách dự kiến 125 nghìn khách.
Hôm nay cũng là ngày cuối hai cảng hàng không lớn nhất ở hai đầu đất nước áp dụng biện pháp tăng cường an ninh cấp độ một để phục vụ hành khách đi lại dịp lễ 30/4 - 1/5.
Thời điểm này, các cảng hàng không thực hiện nhiều phương án đảm bảo tạo điều kiện di chuyển thông thoáng cho hành khách đi tàu bay. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành hoạt động hiệu quả trong giai đoạn cao điểm; áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định (A-CDM) giúp điều hành hoạt động bay hiệu quả, thông suốt, chỉ số đúng giờ được nâng cao.
Bên cạnh đó, các cảng hàng không tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để điều tiết, hướng dẫn, phân làn giao thông... Một số cảng đã vận hành thử nghiệm thành công làn thu phí tự động không dừng giúp các phương tiện có thẻ ETC thoát ly nhanh, đem đến sự thuận tiện cho hành khách và giảm thiểu ùn ứ cục bộ vào các khung giờ cao điểm.
Đối với hành khách, các cảng hàng không lưu ý kiểm tra kỹ giấy tờ tuỳ thân, chuẩn bị hành lý theo quy định, nhận đúng hành lý của mình, kiểm tra kỹ tư trang hành lý trước khi rời sân bay để tránh bỏ quên, thất lạc, cầm nhầm.
Về phía ngành đường sắt, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, lượng khách đỉnh điểm nhất dịp lễ này tập trung vào ngày 30/4 và 1/5 ở chiều về. Dự kiến lượng khách tại ga lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn tăng 2 - 3 lần so với ngày thường.
Đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt đã chủ động tăng cường nhân lực để phục vụ tại các ga lớn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải duy trì chặt chẽ kỷ luật về an toàn chạy tàu; rà soát và thực hiện kịp thời các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các giao cắt đường bộ - đường sắt; tổ chức cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát qua camera, điện thoại được lắp đặt tại các vị trí trực tiếp sản xuất nhằm phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm, sự cố do chủ quan và cả khách quan.
Trước đó, ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên trên các tuyến Hà Nội - Sài Gòn, ngành đường sắt đã tăng cường chạy thêm 36 chuyến tàu tăng cường khu vực phía Bắc từ Hà Nội đi Hải Phòng, Vinh, Quảng Bình, Đà Nẵng và 35 chuyến tàu từ ga Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại trong dịp lễ 30/4 - 1/5.