Gia đình anh Nguyễn Bá Phước, ngụ ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc đang thuê xe cuốc với chi phí 35 triệu đồng để phá bỏ 3 ha vườn thanh long của gia đình anh đã trồng được 5 năm. Anh Phước xót xa cho biết, bỏ vườn thanh long đã gắn bó với gia đình anh 5 năm thật rất đáng tiếc.
Nhưng do giá thanh long liên tục rớt xuống thấp chỉ bán được 2 nghìn đồng/kg, cao cũng chỉ được khoảng 8 nghìn đồng/kg, nhiều lứa thanh long không tiêu thụ được khiến gia đình anh Phước liên tục lỗ nặng nề, với khoảng 300 triệu đồng/năm.
Trước đó, để đầu tư trồng vườn thanh long 3 ha, với 3.500 trụ anh Phước cũng đã phải bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư như: trụ, giống, béc tưới tự động, đường dây điện, bóng đèn…. Tuy nhiên, cũng chỉ được 1 năm thu lời được khoảng 300 triệu đồng, còn lại đều rơi vào cảnh thua lỗ, vốn chưa lấy lại được.
“Bỏ vườn thanh long tôi quyết định chuyển qua trồng cây tràm. Hiện nay chi phí chăm sóc các loại cây trồng đều tăng cao, giá cả lại quá bấp bênh, trong khi đó cây tràm ít công chăm sóc, ít chi phí đầu tư”, anh Phước chia sẻ thêm.
Vườn thanh long 1 ha cũng đã được 5 năm tuổi của gia đình ông Trần Quang Hải, ngụ ấp 3, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc mới được phun thuốc trừ cỏ sạch tinh tươm, nhưng không phải để ông chăm sóc cho vườn thanh long mà để cho gia đình ông chuẩn bị trồng tràm ngay sát trụ thanh long, sau đó bỏ không chăm sóc để thanh long tự chết. Hiện, gia đình ông Hải cũng bỏ không chăm sóc cũng như thu hoạch vườn thanh long mà để trái chín đỏ rực, nứt toác trên cây.
Ông Hải chia sẻ, ông bắt đầu trồng cây thanh long từ năm 2014, đến năm 2018 ông phá bỏ vườn thanh long cũ để thay thế trồng vườn mới áp dụng công nghệ cao, với số vốn đầu tư 500 triệu đồng. Thế nhưng, hơn 3 năm từ khi vườn thanh long cho thu hoạch đến nay ông Hải liên tục thua lỗ. Cụ thể như, vụ thanh long năm 2021 gia đình ông thua lỗ 120 triệu đồng, từ đầu năm đến nay thua lỗ 62 triệu đồng khiến ông rơi vào cảnh trắng tay phải bán đất để trả nợ ngân hàng.
Tại xã Bông Trang – vùng trồng thanh long lớn của huyện Xuyên Mộc cũng như của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bắt đầu vào mùa mưa cũng diễn ra tình trạng nhiều hộ trồng thanh long phá bỏ để trồng các loại cây khác, do trái thanh long rớt giá quá thấp, dịch bệnh tấn công gây hại khiến năng suất, chất lượng của cây thanh long bị giảm sút nghiêm trọng.
Gia đình ông Nguyễn Huy Hoàng, ngụ ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc vừa phá bỏ 4 sào thanh long ruột đỏ đã trồng được 7 năm tuổi, do giá cả liên tục rớt xuống thấp, khiến gia đình ông rơi vào cảnh thua lỗ. Chính vì thế, gia đình ông không còn chi phí đầu tư nên bỏ bê vườn khiến dịch bệnh tấn công, trái thanh long không còn đạt chất lượng.
Ông Hoàng chia sẻ, thanh long ruột đỏ nếu tính tất cả các chi phí thì phải bán với giá 20 nghìn đồng/kg người trồng mới hòa vốn. Thế nhưng, nhiều năm nay hiếm khi nhà vườn bán được giá này, có thời điểm giá rớt xuống chỉ còn 7-8 nghìn đồng/kg, thậm chí chỉ còn 2 nghìn đồng/kg mà không có ai mua.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tổng diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh khoảng 684 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức.
Hai năm trở lại đây, giá thanh long liên tục ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất do xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, mọi chi phí vật tư đầu vào, nhất là giá phân, thuốc lại tăng cao.
Chính vì vậy, nông dân trồng thanh long không mặn mà đầu tư, nhiều vườn thanh long do không được chăm sóc xuất hiện dịch bệnh, cây trồng suy kiệt, kém hiệu quả bị nông dân chặt bỏ. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh chưa có thống kê cụ thể về số diện tích cây thanh long đã bị chặt bỏ.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của phóng viên tại vùng trồng thanh long lớn của tỉnh tại huyện Xuyên Mộc thì số diện tích chặt phá hoặc bỏ vườn không chăm sóc đang ngày càng tăng lên.