Lạc quan những ngành xuất khẩu chủ lựcTheo Vụ Thị trường châu Mỹ, Việt Nam đang tập trung vào 7 nhóm hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: hàng dệt may (9,8 tỷ USD); giày dép các loại (3,3 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ (2,23 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,12 tỷ USD); hàng thủy sản (1,7 tỷ USD); nông sản (1,7 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (1,5 tỷ USD).
May áo jacket xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (Hưng Yên). Ảnh: Anh Tôn - TTXVN |
Đối với ngành hàng dệt may, theo Vụ Thị trường châu Mỹ, đây là mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ, chiếm trên 34% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và chiếm gần 47% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước (số liệu năm 2014). Từ năm 2009, Việt Nam đã vượt Ấn Độ, vươn lên đứng thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc) trong top các nước xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội Dệt may, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP có hiệu lực, khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ sẽ cắt giảm dần về 0% thay vì khoảng 17 - 20% như hiện nay. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ đang khoảng 7%/năm sẽ tăng lên mức 15%/năm. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam tấn công thị trường nhiều tiềm năng này.
Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến gần 25% tổng giá trị xuất khẩu, đồng thời cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất. Tính đến ngày 15/4, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 177 triệu USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
“Chúng tôi dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi đồng USD đang có xu hướng giảm giá, giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh mà các DN Việt Nam đang phải đối mặt trên thị trường Hoa Kỳ”, ông Hòe cho hay.
Các DN trong ngành này cũng tỏ ra rất lạc quan về triển vọng xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ. Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, hiện DN trong nước khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ được hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá của POR9. Mặt khác, nhiều mức thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi TPP có hiệu lực. Điều này giúp DN có lợi thế hơn các đối thủ như: Argentina, Thái Lan, Ấn Độ...
Bên cạnh đó, các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh khác của Việt Nam như giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… cũng đang tăng trưởng rất mạnh khi vào thị trường Hoa Kỳ. Theo Vụ Thị trường châu Mỹ, nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ, có thể thấy đây là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không thể thiếu bất kể tình trạng nền kinh tế ra sao. Mặt khác, sức cạnh tranh của những nước xuất khẩu lớn các mặt hàng này vào Hoa Kỳ, nhất là Trung Quốc, có thể giảm do chi phí sản xuất ngày càng tăng.
“Do vậy, có thể khẳng định trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng trên vẫn được đảm bảo”, đại diện Vụ Thị trường châu Mỹ nhận định.
Thặng dư thương mại không ngừng tăngTheo Vụ Thị trường châu Mỹ, trong những năm gần đây, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng liên tục. Năm 2010, xuất siêu vượt mốc 10 tỷ USD. Đến năm 2012, mức xuất siêu đã lên tới 14,8 tỷ USD, năm 2014, mức xuất siêu trên 20 tỷ USD và năm 2015 Việt Nam đã xuất siêu tới 25,68 tỷ USD vào Hoa Kỳ. Dự kiến, sau khi TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực từ Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng mạnh thì xuất siêu còn tăng hơn nữa.
Cùng với đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng. Sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) chính thức có hiệu lực năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng vọt lên 2,4 tỷ USD vào năm 2002, gấp đôi so với năm 2001 (1,05 tỷ USD). Giai đoạn năm 2002 - 2008, kim ngạch thương mại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 2 con số.
Suy thoái kinh tế năm 2009 đã tác động tiêu cực đến kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước nhưng mức suy giảm này rất thấp so với con số tại các thị trường khác. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2009 đạt 15,3 tỷ USD, giảm 2% so với năm 2008. Tương ứng cùng thời kỳ, tỷ lệ giảm kim ngạch thương mại của Việt Nam với thị trường EU là 14,4% (đạt 9,3 tỉ USD); ASEAN là 16,4% (đạt 8,5 tỉ USD) và Nhật Bản là 27,7% (đạt 6,2 tỉ USD).
Đến năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt xấp xỉ 35 tỷ USD, tăng gấp 140 lần so với kim ngạch năm 1994 (là năm trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ). Riêng 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt gần 14 tỷ USD.
Ông Vũ Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ nhận định: Việt Nam và Hoa Kỳ đang tiếp tục xây đắp con đường hợp tác kinh tế thương mại thông qua TPP. Với bản chất là một hiệp định thương mại tự do đa phương, TPP hứa hẹn sẽ là cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng thương mại giữa các nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, để hưởng lợi, Việt Nam cần từng bước thay đổi cơ cấu xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu để từng bước gia tăng hàm lượng giá trị trong mỗi sản phẩm xuất khẩu của mình.
Dự báo, khi Hiệp định TPP có hiệu lực thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể tăng trên 20%. Theo ước tính của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020. |