“Rộng cửa” đổ vốn vào tam nông

Khi tín dụng cho toàn nền kinh tế đang gặp khó khăn thì lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) sẽ trở thành “mảnh đất” cho các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận.


Tín dụng tam nông tăng 20%


Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới đầu năm 2014, ngoài Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho vay tam nông hay Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi, còn có khá nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) có mức tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng vốn đầu tư trong lĩnh vực tam nông đạt trên 40% tổng dư nợ cho vay, như: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn -Hà Nội) SHB... Đến hết năm 2013, nếu như tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế là 12,5% thì tín dụng cho lĩnh vực tam nông tăng tới gần 20%.

Cơ sở sản xuất gỗ bóc Thịnh Hằng (Phú Lương, Thái Nguyên) được vay từ nguồn vốn vay “tam nông” của Agribank để phát triển sản xuất.


Đặc biệt, từ tháng 5/2012 đến nay, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên; trong đó, lãi suất cho vay lĩnh vực tam nông chỉ còn 9%/năm, thấp hơn lãi suất của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác từ 1 - 2%/năm; đồng thời điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay phù hợp với xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất chung, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tâm (chuyên thu mua chế biến nông sản) cho biết, hiện nay lãi suất cho vay đã ở mức phù hợp, bằng lãi suất tại thời điểm năm 2006. Mức lãi suất này hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực tam nông. Tuy nhiên, do thị trường hiện chưa hồi phục nên DN vẫn dè dặt trong việc vay vốn để thu mua nông sản của nông dân.


Đa dạng hóa hoạt động tín dụng


Theo lãnh đạo một NHTM, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các NHTM đã đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động tín dụng ở nông thôn, cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vay vốn; tạo thuận lợi để người sản xuất và các tổ chức kinh tế ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

 

“NHNN sẽ thiết kế thêm một chương trình hỗ trợ cho tam nông. Theo đó, tín dụng sẽ đặc biệt ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp... NHNN sẽ đưa ra thời hạn cho vay, lãi suất phù hợp nhất”. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Trong đó, 5 NHTM nhà nước tích cực cho vay chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo công văn 1149/TTg - KTN. Đặc biệt, theo cơ chế hiện nay, các hộ dân vay vốn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn được hưởng các chính sách xử lý rủi ro phát sinh. Cụ thể, NHNN yêu cầu các NHTM: Giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất cho vay đối với khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất. “Những giải pháp này đã giúp các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vượt qua khó khăn, tiếp tục được vay vốn phục vụ sản xuất”, lãnh đạo một NHTM cho biết.


Theo thống kê của NHNN, tính đến đầu năm 2014, dư nợ cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm tại 5 NHTM nhà nước đạt 55.064 tỷ đồng; trong đó: dư nợ cho vay cá tra là 18.615 tỷ đồng; nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm là 17.431 tỷ đồng; nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm đạt 19.018 tỷ đồng. Dư nợ được gia hạn là 5.453 tỷ đồng, tương ứng với 12.176 lượt khách hàng được gia hạn (hầu hết là hộ gia đình). Trong đó, dư nợ được gia hạn đến 6 tháng là 3.314 tỷ đồng; dư nợ được gia hạn từ trên 6 tháng đến 12 tháng là 1.412 tỷ đồng; dư nợ được gia hạn trên 12 tháng đến 24 tháng là 727 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách của hệ thống ngân hàng đang hỗ trợ tích cực cho tam nông.


Đức Nghiêm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN