Rau sạch Đà Lạt cần sự liên kết bền vững

Trước nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp, nông dân trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng đã chuyển hướng đầu tư sang rau sạch. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường, hầu hết các doanh nghiệp, nông dân sản xuất rau sạch đều phải phụ thuộc vào các thương lái, bạn hàng.

Đội giá do khâu trung gian

Hiện nay, diện tích rau sạch mang nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”, được chứng nhận VietGap (viết tắt của cụm từ Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi của Việt Nam) tại tỉnh Lâm Đồng chiếm hơn 40.000 ha, chủ yếu tập trung ở các vùng chuyên canh chính: Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương. Trung bình mỗi năm, sản lượng rau sạch Đà Lạt cung cấp ra thị trường khoảng 1,3 triệu tấn, bao gồm các loại rau bắp cải, cải thảo, súp lơ, bó xôi, ớt ngọt, hoa atiso, hành tây…. Hầu hết các sản phẩm này đều “len lỏi” tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị có uy tín như: Vissan, Coop Mart, Big C, Metrol, siêu thị Hà Nội…

Rau sạch phải có thương hiệu mới đảm bảo sự tin cậy của người tiêu dùng.


Tuy nhiên, theo TS Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Qui hoạch nông nghiệp, Phân viện Qui hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam: Sản phẩm “Rau Đà Lạt” mới chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa và phải chịu sự chi phối của thương lái, bạn hàng theo quy trình: Nhà vườn - thương lái - người bán lẻ - người tiêu dùng. Chính vì qua nhiều kênh phân phối, rau sạch Đà Lạt bị đội giá lên khá cao so với giá bán trực tiếp tại nhà vườn.

Thực tế, theo các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất rau sạch, nếu không có thương lái thì người sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Một mặt, vì đa phần là các hộ trồng nhỏ lẻ, không có đầu mối tiêu thụ, không có phương tiện để vận chuyển. Với những doanh nghiệp sản xuất có quy mô, thì vấn đề khó tiếp cận thị trường lại liên quan đến thương hiệu.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH DaLat Gap cho hay: “Mặc dù có nhiều nơi đặt hàng thu mua rau sạch, thế nhưng công ty phải “chọn mặt gửi vàng” vì sợ nhiều nơi lợi dụng thương hiệu để trục lợi, trộn rau sạch và rau không sạch để bán, gây mất niềm tin người tiêu dùng”. Ngoài ra, cũng vì quá nhiều nơi bán rau sạch trên thị trường, nhưng lại không có thương hiệu nên cũng gây sự nghi ngờ cho người tiêu dùng khi mua rau sạch. Trong khi đó, giá thành rau sạch không rẻ, chỉ người tiêu dùng tin chắc “hàng thật” mới có thể mua. Vì thế, rau sạch chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của thương lái và bạn hàng mới đảm bảo đầu ra ổn định.

Cần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững

Theo bà Võ Thị Bình, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng, để chứng nhận rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đòi hỏi phải thông qua nhiều quy trình, như phải có giấy chứng nhận không bị dư hàm lượng Nitrat (NO3), vi sinh gây hại, hàm lượng kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Theo đó, để đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn trên, các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất rau sạch phải đầu tư công nghệ cao với chi phí rất lớn.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH ĐaLat Gap cho biết, trung bình 1 ha sản xuất rau sạch phải đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm hệ thống nhà kính để ngăn côn trùng, dịch bệnh; hệ thống tưới tiêu; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo danh mục của Bộ NN&PTNT… Chưa kể phải chọn vị trí đất – nước canh tác đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn theo quy định. Chính vì sự đầu tư lớn nên hiện nay chỉ có khoảng 10 công ty được cấp chứng nhận VietGap, như: Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng, Công ty TNHH LD Organik Lâm Đồng, Công ty TNHH Đà Lạt GAP và HTX rau an toàn Xuân Hương - Đà Lạt, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Tổ hợp hợp tác sản xuất rau an toàn Đạ Ròn... Tuy nhiên, cứ 3 năm các đơn vị này phải làm giấy chứng nhận một lần.

Dù chi phí đầu tư cao, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế rau sạch đem lại cũng không nhỏ. Theo tính toán của ông Cường, trung bình 1 ha rau sạch có thể kiếm được khoảng từ 1,2 tỷ đến 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận chiếm khoảng 30%. Trước lợi nhuận này, nhiều hộ nông dân đua nhau chuyển sang đầu tư rau sạch. Thế nhưng, sự đầu tư này cũng chỉ mang tính hình thức chứ chưa đầu tư công nghệ chuyên sâu, vì thế đều phải phụ thuộc vào các thương lái. Đáng lo ngại là chính sự thu mua dễ dãi của thương lái đã khiến thị trường rau sạch “vàng thau lẫn lộn”.

Theo bà Võ Thị Bình, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thị trường rau sạch Đà Lạt khó có thể phát triển bền vững. Vì thế, để rau sạch có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, UBND tỉnh Lâm Đồng ngoài xây dựng thương hiệu cho rau Đà Lạt, cần hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng rau sạch theo mô hình khép kính: Sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ; đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ một phần trong quy trình chứng nhận VietGap. Có như vậy, sẽ thu hút các hộ nông dân hợp tác, đầu tư sản xuất tập trung, góp phần tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN