Rau bị “làm giá”

Vừa qua, Báo Tin tức có đăng bài “Thấp thỏm với thị trường rau Tết” đề cập tới việc giá rau tăng đột biến trong thời gian gần đây, mà nguyên nhân chủ yếu là việc “thổi” giá quá mức ở các khâu trung gian. Việc tổ chức lại hệ thống phân phối theo hướng cắt giảm tối đa các khâu trung gian chính là lời giải cho tình trạng “làm giá” rau.

Khâu trung gian “đẩy” giá


Thời gian qua, giá rau tăng mạnh nhưng người trồng rau lại không thu lợi được bao nhiêu. Chị Trần Thị Hương, một người trồng rau ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, giá rau tại chợ đầu mối cao hơn tại vườn gấp 2 lần và tại các chợ bán lẻ cao gấp 3 lần. Ví dụ, 1 kg hành lá là 16.000 - 17.000 đồng khi bán tại ruộng nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại có giá từ 25.000 - 26.000 đồng, rau các loại tại ruộng 7.000 - 8.000 đồng, đến tay người tiêu dùng có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg... Chị Hạnh, một người bán rau ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) nói: “Hiện giá cả các loại rau, củ tăng, người mua về bán cũng chỉ lãi từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại. Người bán rau ở chợ cũng phải mua hàng qua nhiều khâu trung gian trong khi cứ qua mỗi khâu trung gian thì giá cả lại tăng đáng kể”.

Giá rau tăng cao do bị “làm giá” trong khâu trung gian.
Ảnh: Lê Phú


Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các chợ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắp cải hiện có giá 10.000 đồng/kg, khoai tây 13.000 đồng/kg, rau cải 12.000 đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg… Trong khi đó, cùng thời điểm, giá các mặt hàng tương đương trong các quận nội thành cao gấp 2 - 3 lần. Đây là mức tăng cao bất hợp lý, bởi từ Sóc Sơn đến những quận, huyện nội thành chỉ khoảng vài chục km, tính thêm chi phí vận chuyển gồm cả tiền xăng và công vận chuyển thì giá rau cũng không thể tăng cao đến như vậy.


Hiện nay, một trong những nguồn cung ứng rau cho thị trường Hà Nội là từ các huyện ngoại thành. Tuy nhiên, nông dân ở các huyện ngoại thành bán rau với giá rất thấp nhưng người tiêu dùng phải mua các mặt hàng này ở chợ với giá cao gấp 3 lần so với giá bán của nông dân. Theo các chuyên gia thương mại, khi mớ rau của người nông dân đến được với người tiêu dùng thì đã phải qua từ 3 - 5 khâu trung gian. Rau từ ruộng được thu mua bởi những thương lái, những người này sẽ đổ rau cho các vựa rau ở chợ đầu mối, các vựa đầu mối lại bán lại cho một trung gian, trung gian này có thể trực tiếp đổ cho nhà hàng, khách sạn nào đó, có thể đổ cho các chợ lẻ hay các cửa hàng rau nhỏ, từ những chợ hay sạp hàng này cuối cùng mớ rau mới đến được tay người tiêu dùng. Mỗi khâu này, giá lại tăng thêm 15%, thậm chí có khi đến… 100%.

Tổ chức lại hệ thống phân phối


Khâu phân phối phải qua quá nhiều “mắt xích” tạo điều kiện cho tư thương thao túng thị trường khiến cả nông dân và người tiêu dùng đều chịu thiệt. Có nhiều yếu tố được các tiểu thương bán lẻ đưa ra để lý giải cho giá bán lẻ cao như: mức chi phí cho một chỗ bán lên đến cả triệu đồng mỗi tháng, việc buôn bán ở chợ dưới thời tiết nắng mưa khiến tỷ lệ hao hụt hàng hóa nhiều, chi phí vận chuyển tăng cao do đường xa, kẹt xe… và áp lực chi phí đời sống của họ ngày càng tăng. Thực tế, giá rau tăng thì chỉ có khoảng 30% là do chịu tác động của thời tiết, còn lại là do tư thương ép giá”, ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội nhận định.


Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, việc “đẩy” giá của các khâu trung gian chủ yếu xuất hiện ở ngoài chợ, còn rau trong siêu thị chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Từ chợ đầu mối về đến các chợ lẻ giá rau tăng khá nhiều, tất nhiên là có chi phí vận chuyển, chi phí chọn lọc, giá đương nhiên sẽ tăng lên nhưng tăng quá nhiều như hiện tại là bất hợp lý.


Theo phân tích của ông Phú, sự phức tạp của hệ thống hàng hóa không chỉ gây khó khăn cho việc quản lý giá cả cũng như chất lượng của sản phẩm. Do đó, cần tổ chức lại cơ chế và hệ thống phân phối, cần có người đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể trong vấn đề này. Cùng với việc giảm bớt các khâu trung gian phân phối hàng hóa, cần tổ chức các vùng trồng rau theo hướng mở rộng diện tích, tăng năng suất, phát triển thương hiệu, từ đó góp phần ổn định nguồn hàng, chất lượng và giá cả.
Tại Hà Nội thời gian qua, việc hình thành và đưa các sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn theo hướng đưa các sản phẩm rau về các khu dân cư bán cho người dân là một mô hình đang cho thấy những hiệu ứng tích cực từ thị trường. Ông Nguyễn Thành Lưu cho biết: Từ tháng 7/2012, thành phố Hà Nội đã thành lập 300 điểm bán rau an toàn đến khu dân cư. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trong khi giá cà chua ở chợ là 21.000 đồng/kg thì trong sàn, giá chỉ 16.000 đồng/kg. “Khi phân phối theo hình thức này, rau từ nơi sản xuất, chỉ qua một khâu trung gian là tới tay người tiêu dùng. Giá ở những điểm giao dịch này ổn định và người tiêu dùng được mua với giá rẻ hơn khi mua ở ngoài chợ”, ông Nguyễn Thành Lưu cho biết.


Sau một thời gian đưa rau an toàn lên sàn, trước phản ứng tốt từ thị trường, Hà Nội hiện đang có kế hoạch mở rộng quy mô lên 1.000 điểm giao dịch. Đồng thời, bắt đầu áp dụng mô hình này đối với các mặt hàng như trứng gà, thịt gà, thịt lợn.


Người tiêu dùng thì luôn có nhu cầu được đáp ứng sản phẩm an toàn, giá cả phải chăng. Vì thế, vấn đề là ngành nông nghiệp cần thiết lập được hệ thống phân phối theo hướng loại bỏ tối đa các khâu trung gian và giám sát được chất lượng tại gốc.


Thu Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN