Rà soát, xây dựng mô hình nhà ở có thể đối phó với tổ hợp thiên tai

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành xây dựng năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề: Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, yêu cầu đặt ra với ngành xây dựng là phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan có giải pháp bảo đảm an toàn về nhà ở cho người dân vùng thiên tai, bão lũ.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trần Hồng Hà. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Năm 2020 vừa qua đã chứng kiến nhiều thảm họa từ thiên tai tại một số địa phương trong cả nước. Miền Trung chìm trong biển nước, các công trình xây dựng và cả người dân bị vùi lấp do sạt lở đất là những hình ảnh ám ảnh nặng nề... Vẫn biết thiên tai là bất khả kháng, tuy nhiên, chúng ta có thể giảm bớt tổn thất cả về người và tài sản thông qua việc quy hoạch vùng dân cư chống sạt lở, sạt trượt không thưa Bộ trưởng?

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng sẽ có hội nghị rà soát, đánh giá lại chương trình, kế hoạch đã thực hiện theo chỉ đạo cũng như các nội dung từ kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây sẽ là dịp để đánh giá lại các kế hoạch, chương trình đã thực hiện ra sao, những điều làm được và cả hạn chế, vướng mắc cũng như xem xét trách nhiệm cụ thể; đồng thời, đề xuất và cập nhật những nội dung, yêu cầu mới cho phù hợp với thực tế.

Để đối phó với tổ hợp thời tiết bất lợi là rất khó khăn. Lụt là một thiên tai, bão cũng là một thiên tai và nước biển dâng cũng vậy. Nhưng nếu tổng hợp các hình thái này thì lại là một yếu tố mới rất bất thường, dị thường mà trong thời gian vừa rồi nó đã diễn ra như vậy. Điều này đòi hỏi phải cập nhật, bổ sung cái mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Riêng về vấn đề địa điểm xây dựng, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ rà soát, bổ sung 1 số quy định mới về điều kiện lựa chọn địa điểm xây dựng. Điều này có nghĩa là sẽ bao gồm tất cả các công trình xây dựng, kể cả công sở, cơ sở sản xuất, nhà ở, trường học… Mọi địa điểm xây dựng đều được xác định khi lựa chọn và sẽ phụ thuộc vào điều kiện riêng của từng vùng, miền núi, đồng bằng...

Trước đây, chúng ta đề cập đến khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhưng chỉ quan tâm đến ngập lụt và độ dốc. Giờ phải quan tâm đến bản đồ cảnh báo các khu vực nguy cơ sạt lở và đưa vào hồ sơ quy hoạch. Những căn cứ đưa vào bản đồ dự báo sẽ là nền tảng quyết định lựa chọn khu đất xây dựng.

Bên cạnh đó, việc khảo sát đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai không chỉ dừng lại ở một khu vực mà cần tiến hành sâu hơn ở các điểm dân cư nhỏ lẻ; thậm chí là các công trình đơn lẻ, đặc biệt đối với các vùng miền núi có độ dốc lớn.

Chú thích ảnh
"Ngôi nhà lưỡng cư" thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Nếu triển khai thực tế thì đây sẽ là một vấn đề rất lớn và rất khó. Vậy Bộ Xây dựng đã có phương án gì, thưa Bộ trưởng?

Khi có quy định về lựa chọn địa điểm thì sẽ có rất nhiều quy hoạch, vị trí cần phải rà soát lại. Bởi trên thực tế, có những nơi ổn định lâu năm nhưng đợt vừa qua vẫn bị nạn do lở đất vùi lấp. Điều này chính là thể hiện những diễn biến rất dị thường, bất thường. Ngay như Bộ Quốc phòng, sau một số vụ việc vừa qua đã rà soát lại toàn bộ địa điểm xây doanh trại...

Nhưng lựa chọn địa điểm lại phụ thuộc vào quy định lựa chọn của Bộ Xây dựng nên thời gian tới, Bộ cũng phải rà soát lại tất cả quy định về điều kiện lựa chọn địa điểm xây dựng cho phù hợp. Đây là vấn đề rất lớn và rất khó.

Về nhà ở và cụm dân cư thì cũng phải được tính toán dựa trên công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vùng đất và căn cứ theo bản đồ cảnh báo. Dựa trên cơ sở này mới có thể có căn cứ để định hướng về quy hoạch khu dân cư. Có nghĩa là, Bộ Xây dựng cũng phải căn cứ vào bản đồ này.

Tuy các bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhưng tỷ lệ xích lại rất lớn nên ít có tác dụng thiết thực trong quy hoạch khu dân cư cụ thể. Do đó, muốn làm được quy hoạch khu dân cư, Bộ Xây dựng sẽ phải rà soát lại toàn bộ định hướng về quy hoạch xây dựng xã. Nhất là trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới có nội dung quy hoạch các xã thì sẽ phải tính toán lại, có quy định bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp .

Tuy nhiên, khi thực hiện điều này cũng không hề đơn giản và phải lưu ý tính tập quán của người dân muốn gắn nơi ở với nơi sản xuất, địa điểm sản xuất. Nhiều khi, quy hoạch nhà ở sang khu vực khác cho an toàn nhưng họ lại không muốn ra đó; thậm chí, họ chỉ về ngủ đêm chứ ban ngày vẫn quay lại lều, lán tạm ở khu vực cũ, gần nơi sản xuất.

Mục tiêu của rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới từng xã để xem có quy định nào phù hợp; trước hết là bố trí quy hoạch các điểm dân cư cho phù hợp. Khâu này phải phối hợp với liên bộ, ngành và các địa phương vì gắn với quy hoạch sản xuất. Nếu quy hoạch xây dựng không đồng bộ với quy hoạch sản xuất thì họ cũng không theo, không đồng ý.

Trong quy hoạch cũng cần đặc biệt chú trọng đến đô thị miền núi bởi tại các khu vực này, nếu xảy ra sạt lở thì có thể tổn thất nặng nề hơn rất nhiều về cả người và tài sản; thậm chí, sạt trượt có thể vùi lấp cả 1 tiểu khu. Do đó, vừa chú ý quy hoạch điểm xây dựng dân cư nông thông nhưng đồng thời cũng phải tính toán cho cả đô thị miền núi.

Chú thích ảnh
Nhà chống lũ. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế đã có rất nhiều thiết kế và mô hình điển hình cho nhà ở vùng thiên tai. Tại một số địa phương, mô hình nhà ở vượt lũ cũng được đánh giá là khá hiệu quả. Xin Bộ trưởng cho biết, hướng phát triển các loại nhà này trong thời gian tới?

Nhà ở sẽ phải phân thành 2 loại để xử lý. Nhà ở cho người dân vùng sạt trượt chỉ có thể di dời chứ giải pháp công trình là không khả thi trước sức tàn phá của thiên tai. Có chăng, cũng có thể dùng giải pháp công trình nhưng chi phí lại quá lớn nên khó khả thi.

Hợp lý nhất hiện nay là mô hình nhà ở có thể đối phó với tổ hợp thiên tai. Ví dụ, khu vực miền Trung sẽ là tổ hợp nhà ở chống bão, lụt; vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì lại phải chọn mô hình xử lý ngập lụt hoặc khô hạn; đồng bằng sông Hồng cơ bản xử lý về vấn đề gió bão… Như vậy, tùy từng điều kiện tự nhiên của từng vùng sẽ phải có hướng để xử lý về nhà ở an toàn, đây chính là mục tiêu quan trọng.

Hiện thiết kế điển hình về nhà an toàn cũng đã có rất nhiều, nhiều tổ chức xã hội cũng tham gia đồng góp thêm nhiều mô hình. Quan điểm của Bộ Xây dựng là nhà an toàn với vùng bão lụt ít nhất phải có một đơn nguyên khoảng 10m2 xây dựng 2 tầng kiên cố từ móng để đảm bảo gió cấp nào cũng không bị đổ, lụt cỡ nào cũng không bị ngập. Bởi vậy, hướng thiết kế, kỹ thuật dứt khoát phải có đơn nguyên 2 tầng.

Khi có sự cố thiên tai, toàn bộ gia đình và tài sản tích lũy được sẽ di chuyển lên đó. Thức ăn có thể dự trữ khoảng 1 tuần; thậm chí, nhiều nơi đã tính toán cả lỗi lên bằng đường trượt bởi có gia đình còn mang cả 1 con trâu hoặc con lợn là tài sản quý của hộ nông dân lên đó.

Hiện chính sách hỗ trợ nhà ở có nhiều chương trình. Với nhà ở cho người dân vùng ngập lũ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, người dân được cấp hoàn toàn. Nhưng sang giai đoạn 2, kết hợp để khuyến khích tự chủ của người dân nên chuyển hướng chính sách là vừa cấp vừa cho các hộ vay.

Khảo sát thực tế cho thấy, người dân vẫn biết, nếu không có cái nhà an toàn thì sẽ rất nguy hiểm nhưng mối quan tâm đầu tiên của nhiều người lại là kế sinh nhai để cho khỏi đói. Do tiền có hạn nên họ chọn giải pháp đầu tư vào kế sinh nhai chứ không chọn vay tiền và nhận hỗ trợ làm nhà chống lũ.

Các đoàn đại biểu Quốc hội cũng chuyển tới nhiều kiến nghị của cử tri là đề nghị được hưởng chính sách như giai đoạn đầu, hoặc nếu có cho vay thì thời hạn phải dài ra, lãi suất thấp hẳn xuống. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, số hộ dân miền Trung trong diện hỗ trợ cũng không còn nhiều. Theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, thống kê của các địa phương về hộ nghèo tổng số chỉ có khoảng 22.000 hộ; trong đó, đã xử lý hỗ trợ hơn 19.000 hộ, nên hiện chỉ còn khoảng 3.000 hộ.

Do đó, nếu chính sách không cấp được như giai đoạn 1 thì có thể huy động xã hội hóa; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp hoặc huy động doanh nghiệp trực tiếp thực hiện luôn. Mỗi đợt thiên tai, bản thân các doanh nghiệp vẫn tham gia ủng hộ. Nay có thể thay bằng việc cứ thiên tai lại huy động ủng hộ thì nên vẫn động doanh nghiệp cùng trợ giúp để người dân có nhà tránh bão lũ kiên cố luôn, tránh ảnh hưởng cuộc sống khi đối mặt với thiên tai.

Thêm một lưu ý là các địa phương phải kiểm soát việc xây dựng các công trình đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thực tế kiểm tra tại 1 trường tiểu học tại miền Trung cho thấy, nhà 3 tầng bị tốc toàn bộ mái. Nguyên nhân là không làm đúng quy chuẩn tiêu chuẩn. Bởi quy định không cho phép trường tiểu học 3 tầng làm mái tôn. Có chăng, mái tôn chỉ dùng là lớp chống nắng bên trên của mái bê tông cốt thép.

Do đó, sẽ có rà soát và sửa đổi quy chuẩn về nhà trẻ, mẫu giáo, nhất là vùng thiên tai, kiểu gì cũng phải có đơn nguyên 2 tầng để khi có sự cố là cô trò đưa nhau lên đó tránh nạn ngay. Điều này sẽ được giải quyết trong bài toán về quy chuẩn xây dựng.

Cùng đó, xử lý quy chuẩn thiết kế nhà ở dân dụng cũng phải đảm bảo hỗ trợ an toàn người dân, hỗ trợ di dân khẩn cấp. Hướng xây dựng công trình ngoài nhà ở cũng sẽ đc rà soát và thể hiện ở quy chuẩn, địa điểm, quy chuẩn về điều kiện tự nhiên khi thiết kế xây dựng.

Điều này đòi hỏi phải tính toán tải trọng gió, tải trọng tĩnh, động đất, mưa lụt… thì thiết kế công trình mới đúng được. Tính toán đến cả các khu vực dân cư, điểm đô thị, đô thị theo hướng rà soát lựa chọn địa điểm và tính toán tổ hợp thời tiết, sửa đổi bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn; trong đó chú trọng yếu tố vùng miền theo thời tiết chứ không hẳn chỉ theo các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Hằng (TTXVN)
Hiệu quả mô hình nhà chống lũ
Hiệu quả mô hình nhà chống lũ

Huyện Đại Lộc được coi là rốn lũ của tỉnh Quảng Nam. Hàng năm địa phương này thường phải hứng chịu nhiều trận lũ lớn nhỏ. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, những thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn đã giảm đáng kể. Bởi cùng với các nguồn vốn chính sách, địa phương đã huy động được sức dân trong việc chủ động xây dựng mô hình nhà chống lũ để bảo vệ tính mạng và tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN