Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu tại chương trình gặp mặt, toạ đàm "Viết tiếp bản hùng ca".
Phát biểu tại chương trình, bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam bày tỏ sự trân trọng, biết ơn sâu sắc với các thế hệ phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của ngành Thông tấn đã đóng góp thầm lặng, bền bỉ, làm nên chặng đường vẻ vang của dân tộc. Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận dấu ấn sâu đậm của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với vai trò cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước.
Trong suốt những năm kháng chiến gian khổ, với lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, các nhà báo TTXVN đã có mặt tại khắp các chiến trường phản ánh đời sống chiến đấu của quân và dân ta vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước… Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên tại miền Bắc đã bám sát thực tiễn sản xuất, chiến đấu tại miền Nam. Ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng ra đời, góp phần quan trọng trong việc truyền tải thông tin.
Từ năm 1960 đến năm 1975, khoảng 450 lượt cán bộ, phóng viên chi viện từ Việt Nam Thông tấn xã, sát cánh cùng lực lượng vũ trang liên tục phát đi những bản tin khẩn, tiếp thêm ý chí cho đồng bào ở hậu phương và tiền tuyến… Đỉnh cao là ngày 30/4/1975, Việt Nam Thông tấn xã vinh dự phát đi hình ảnh, dòng tin đầu tiên về chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Để có mùa Xuân lịch sử ấy, khoảng 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên thông tấn đã hy sinh, mang thương tật suốt đời… Những mất mát đó mãi được khắc ghi trong lịch sử dân tộc.
Các đại biểu, nguyên lãnh đạo, phóng viên TTXVN tham dự chương trình.
“Bước sang thời kỳ đổi mới, hội nhập, kế thừa truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, thế hệ Thông tấn hôm nay tiếp tục xông pha vào các sự kiện nóng, sự kiện trọng đại của đất nước. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ với những sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao được vinh danh tại các giải thưởng lớn, TTXVN đang từng bước đổi mới mô hình hoạt động tinh gọn theo Nghị quyết 18… Truyền thống vẻ vang của các thế hệ người làm báo thông tấn sẽ là nền tảng quý giá của thế hệ hôm nay tiếp tục viết nên những bàn hùng ca trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những câu chuyện nghề đầy xúc động vẫn đang được viết tiếp với những trái tim nhiệt huyết, cống hiến không mệt mỏi, góp phần xây dựng TTXVN ngày càng phát triển lớn mạnh, xứng đáng là cơ quan thông tấn quốc gia trong kỷ nguyên số”, bà Vũ Việt Trang chia sẻ.
Chương trình gặp mặt, tọa đàm với chủ đề “Viết tiếp bản hùng ca” do TTXVN tổ chức.
Tại chương trình, các phóng viên chiến trường đã chia sẻ những câu chuyện về những năm tháng gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của những người làm thông tấn cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ… Là một phóng viên phụ nữ khi tác nghiệp tại chiến trường, từ đầu cầu Đà Nẵng, cô Triệu Thị Thùy, nguyên Quyền Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nguyên phóng viên lớp GP10 chia sẻ:
“Khi đó tôi là một cô gái 20 tuổi, trong thời gian tác nghiệp luôn gắn liền với chiếc ba lô 20 kg, người lúc nào cũng chúi về phía trước. Chúng tôi cũng phải tác nghiệp một mình ở chiến trường, chưa quen mọi người… Nhưng khó khăn nhất là bệnh sốt rét rừng. Chúng tôi phải tác nghiệp trong rừng sâu, rừng già, nên ai cũng từng bị bệnh sốt rét. Căn bệnh này rất ghê gớm, người “run lên cầm cập”... Tôi nhớ khi được tiêm thuốc 7-10 ngày, tôi có thể đi lại được, nhưng để lại nhiều hậu quả cho phụ nữ chúng tôi: Tóc xác xơ, da xanh xao, môi tím như hoa sim…” .
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN chia sẻ tại chương trình.
Chia sẻ cảm xúc trong ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN cho biết, đó là sự xúc động xen lẫn nhiều cảm xúc. “Nhưng tôi và đồng đội vẫn ý thức trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình. Chúng tôi hiểu rằng đây là dấu mốc lịch sử vĩ đại, nỗ lực, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ… Đêm nay có lẽ hàng triệu gia đình không ngủ được”, nhà báo Trần Mai Hưởng nói.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ về giấy phút nhận tin Giải phóng miền Nam.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Bích kể lại giây phút nhận được tin miền Nam Giải phóng: "Từ tầng 5 tòa nhà Thông tấn, dây pháo nổ vang lên hòa cùng niềm vui của dân tộc, lúc bấy giờ đồng bào vui mừng, hạnh phúc đứng xung quanh tòa nhà thông tấn… mọi người ôm nhau, nước mắt lăn dài trên má, niềm vui khôn xiết!".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn Xã Giải phóng (sau này hợp nhất thành TTXVN) đã trực tiếp chiến đấu và chịu hy sinh như những “người lính thực thụ”, góp phần đưa những bản tin, bức ảnh nóng hổi tính thời sự từ chiến trường đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, trong đó có bản tin đầu tiên về ngày thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Toạ đàm về thời kỳ đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại chương trình.
Cũng tại chương trình, các nhà báo công tác tại TTXVN đã có những chia sẻ về thời kỳ đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế "giúp bạn là giúp mình" tại Lào và Campuchia. Đan xen là những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng và nhiệt huyết của những người làm báo thông tấn hôm nay trong những hoàn cảnh đầy thử thách như: Đại dịch COVID, cơn bão số 3 năm 2024…
Nhà báo Hồng Ninh, Cơ quan thường trú của TTXVN tại tỉnh Lào Cai chia sẻ những khó khăn, thử thách chuyến tác nghiệp tại làng Nủ trong trận lũ quét thương tâm: “Ấn tượng ban đầu khi vào làng Nủ là hình ảnh quan tài xếp chồng lên nhau, tiếng khóc thương tâm của gia đình, công tác tìm kiếm được các lãnh đạo chỉ đạo khẩn trương, nhanh chóng… Chúng tôi nhanh chóng ghi chép, ghi hình, phỏng vấn… để truyền thông tin về cơ quan, nhưng phải đảm bảo an toàn cho ekip tác nghiệp… Khi tác nghiệp ngoài trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao phó, chúng tôi còn ý thức trách nhiệm xã hội…”.
Nhà báo Hoàng Kim Tuyết, phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc (TTXVN) và đội ngũ phóng viên TTXVN luôn sẵn sàng tác nghiệp tại tâm dịch, không ngại dấn thân để truyền tải thông tin nhanh nhạy, kịp thời cho độc giả cả nước.
Chương trình giao lưu, toạ đàm "Viết tiếp bản hùng ca" được kết nối trực tuyến tại 3 điểm cầu: Trung tâm Thông tấn quốc gia tại Hà Nội; trung tâm Thông tin TTXVN khu vực miền Trung-Tây nguyên tại Đà Nẵng và trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham dự của 430 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của TTXVN đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, các cuộc chiến bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, Campuchia cùng thế hệ các phóng viên, nhà báo hiện công tác tại TTXVN.
Trao tặng kỷ vật chiến trường cho phòng Truyền thống của TTXVN.
Tại chương trình đã diễn ra Lễ trao tặng kỷ vật chiến trường cho phòng Truyền thống của TTXVN. Những kỷ vật giản dị ấy đã theo dấu chân của các phóng viên, kỹ thuật viên trên các chiến trường từ Nam ra Bắc, minh chứng cho sự hy sinh, cống hiến và tình yêu Tổ quốc, yêu nghề của các thế hệ đi trước.
Các nhà báo, kỹ thuật viên... vui mừng gặp lại nhau tại chương trình giao lưu, gặp mặt.
Trao tặng cuốn sách "80 năm Thông tấn xã Việt Nam" cho các nguyên phóng viên, nhà báo đã từng công tác tại TTXVN.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Thông tấn đã ra mắt cuốn sách ảnh song ngữ Việt-Anh “80 năm Thông tấn xã Việt Nam” gồm 5 phần, được in song ngữ Việt - Anh: TTXVN trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (1945-1975); TTXVN trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vị thế cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (1976-2025); hoạt động đối ngoại của TTXVN; Đảng bộ TTXVN và các đoàn thể chính trị xã hội.
Cuốn sách “80 năm Thông tấn xã Việt Nam” là một công trình tư liệu báo chí có giá trị, ghi dấu chặng đường 80 năm hình thành, xây dựng và phát triển của TTXVN. Những bức ảnh, bài viết, dòng tin đi cùng năm tháng mang giá trị lịch sử ghi dấu sự dấn thân, trung thành, tận tụy, hy sinh và công hiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật, nhân viên các thế hệ thông tấn để dòng thông tin chủ lưu của TTXVN không ngừng nghỉ.