Cánh tay robot 6 bậc tự do (6-DOF robot arm) ngày càng trở thành công cụ không thể thiếu trong các dây chuyền sản xuất hiện đại. Sở hữu cấu trúc mô phỏng chuyển động tay người, loại robot này có khả năng thực hiện đa dạng tác vụ phức tạp với độ chính xác cao, linh hoạt và tốc độ vượt trội.
ELBOT được chế tạo từ chất liệu thép và nhôm đúc nguyên khối, thiết kế theo dạng mô đun có sải tay dài 1.310 mm, độ chính xác ±0.1 mm, tải trọng tối đa 6 kg và trọng lượng chỉ 43 kg, đáp ứng được đường kính không gian làm việc lên đến 2,6 m, một thiết kế tối ưu giữa hiệu suất và tính linh hoạt cho nhiều ngành công nghiệp.
Để đạt được độ chính xác đến 0.1 mm và 0.05 mm, tất cả các khớp của robot phải đạt đến độ gia công, chế tạo cực kì chính xác. ELBOT bao gồm 3 bậc tự do cho chuyển động định vị (gốc→cổ tay) - chuyển động trong không gian 3D để đưa tay robot đến đúng vị trí và 3 bậc tự do cho chuyển động định hướng (cổ tay) cho phép xoay, nghiêng, gập đầu công cụ (end - effector) theo nhiều hướng.
Tại buổi ra mắt giới thiệu ELBOT, Hữu Trung cho biết: “Thời điểm tôi nói sẽ chế tạo một cánh tay robot, gần như không ai hiểu được mong muốn đó. Có không ít người chê cười vì không biết tôi làm ra sản phẩm này trông sẽ như thế nào hoặc nghĩ mình… ảo tưởng. Tuy nhiên, tôi có những người thân trong gia đình luôn ủng hộ và quyết tâm của bản thân. Tôi luôn nói với mọi người rằng, đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn bởi như vậy mới có kết quả. Khi nhìn lại hành trình trong suốt bao nhiêu năm qua đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện, tôi cảm thấy rất tự hào”.
20 năm theo đuổi giấc mơ công nghệ kể từ khi mới 11 tuổi, hành trình nghiên cứu và sáng chế thành công ELBOT đối với Hữu Trung không chỉ là những năm tháng tích lũy và học hỏi nghiêm túc kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau: Kiến trúc, đồ họa, lập trình, thiết kế… mà còn là một minh chứng cho việc dám nghĩ dám làm của người Việt Nam. Qua hành trình này và những dự định tương lai, anh mong muốn góp phần “tiếp lửa” được cho các bạn trẻ yêu thích công nghệ hay bất cứ lĩnh vực nào để nối gót cha ông, thúc đẩy sự phát triển xã hội, đất nước.
Hữu Trung cũng chia sẻ thêm rằng, thời gian tới anh sẽ cho ra mắt một sản phẩm công nghệ “đến từ thế kỷ 22”, một cỗ máy lưu trữ không gian 4 chiều với kích thước nhỏ, không cần sử dụng điện, vẫn có thể hoạt động. Mục đích Hữu Trung nghiên cứu và phát triển cỗ máy này là sử dụng lưu trữ dữ liệu lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ở dạng vĩnh cửu, không thể hỏng hóc hay bị lỗi.