Để thực hiện nội dung rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành ở trung ương và địa phương có liên quan tổ chức rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện trên phạm vi cả nước.
Loại bỏ 424 dự án
Việc Chính phủ loại bỏ 424 dự án thủy điện (TĐ), không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án TĐ trên toàn quốc là quyết định cần thiết. Quyết định này cũng cho thấy những bất cập và tồn tại của công tác quản lý nhà nước trong qui hoạch, giám sát vận hành TĐ. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu đây đã phải con số cuối cùng nếu như 815 dự án còn lại trong quy hoạch tiếp tục rà soát? Liệu đã đến lúc phải đặt ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ rừng và coi đó là yêu cầu cấp thiết vì lợi ích lâu dài, tránh các tác động tiêu cực đối với đời sống cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội?
Nhà máy thủy điện Đa Nhim.Ngọc Hà - TTXVN |
Trước hết cũng cần khẳng định, TĐ đóng vai trò rất quan trọng đối với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội. Đến năm 2012, TĐ đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất và gần 44% điện lượng. Ngoài ra, TĐ còn tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất (các hồ thủy điện chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa trong cả nước); đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, TĐ còn góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp ở nhiều địa phương, tạo nhiều việc làm và điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng khu vực có dự án. Nhìn chung, cho đến nay trên 90% tiềm năng kinh tế-kỹ thuật TĐ ở nước ta đã được khai thác và cơ cấu nguồn TĐ có xu hướng giảm dần.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã có Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện và trong năm 2014 sẽ hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện. |
Tuy nhiên những tác động tiêu cực về môi trường, xã hội do TĐ gây ra đã làm thay đổi nhận thức lâu nay vẫn cho rằng TĐ là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2006 đến nay chúng ta đã phải đánh đổi 50.000 ha đất rừng để làm TĐ. Còn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết 20.000 ha rừng đã bị “xóa sổ” bởi các dự án TĐ trong giai đoạn 2006-2012. Về tác động xã hội, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ riêng 21 dự án TĐ ở 12 tỉnh đã có khoảng 75.000 hộ phải di dời, gây xáo trộn cuộc sống, sinh kế và đời sống văn hóa của người dân. Thiệt hại do sự cố an toàn đập và xả lũ khi có rủi ro thiên tai xảy ra hàng năm ước tính lên đến hàng trăn tỷ đồng.
Theo phân tích của các chuyên gia về môi trường, các tác động thực tế, lâu dài của các nhà máy TĐ đã vận hành hoặc đang xây dựng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và chưa được đánh giá một cách toàn diện. Khả năng đảm bảo an toàn đập và quản lý vận hành hồ chứa không gây hại cũng chưa đủ độ tin cậy. Chính vì vậy, việc tiếp tục đánh giá, xem xét toàn diện về lợi ích và thiệt hại đối với từng dự án cũng như cả hệ thống TĐ quy hoạch trên từng lưu vực sông là rất cần thiết, làm cơ sở để loại bỏ hoặc cấp phép xây dựng, đồng thời áp dụng biện pháp cắt giảm, đảm bảo an ninh môi trường và xã hội.
Cần làm tốt khâu quy hoạch
Qua báo cáo của Chính phủ trong việc rà soát quy hoạch TĐ, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua cho rằng: Chất lượng quy hoạch TĐ, đặc biệt là TĐ nhỏ rất hạn chế. Không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Các dự án, vị trí TĐ tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì lý do: Hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, số lượng các dự án TĐ nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án này bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Số liệu báo cáo của Chính phủ cho thấy số dự án TĐ nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch là tương đối lớn (khoảng 37% tổng số dự án trong quy hoạch). Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế-xã hội và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch TĐ nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án TĐ lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát.
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở quy hoạch TĐ được lập và phê duyệt, việc thu hút các nguồn vốn khác nhau để thực hiện quy hoạch là cần thiết nhưng phải đi đôi việc quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch TĐ chưa quy định rõ ràng.
Ngoài ra, quy hoạch TĐ nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế-xã hội. Do chủ yếu nằm rải rác trên các sông suối nhánh, thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các tài liệu và thông tin cơ bản như khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất... còn thiếu. Mặt khác, do tình hình đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết tại khu vực các dự án TĐ nhỏ còn chậm, khó khả thi, hiệu quả kinh tế của các dự án này giảm rõ rệt, không thu hút được đầu tư.
Để hoàn thiện kết quả rà soát, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin liên quan đến quá trình, kết quả rà soát, loại bỏ các dự án, vị trí tiềm năng TĐ. Cụ thể là cần làm rõ phương pháp triển khai trong đó có các tiêu chí rà soát, loại bỏ; tổng hợp các ý kiến khác nhau, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong quá trình rà soát, loại bỏ; đánh giá tác động kinh tế-xã hội đối với việc thực hiện kết quả rà soát; trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi các dự án TĐ đã được thẩm định, phê duyệt đưa vào quy hoạch theo đúng quy định nay bị loại bỏ; số dự án TĐ đã triển khai thực hiện nhưng không có trong quy hoạch đã được phê duyệt.
Nguyễn Viết Tôn