Cùng với công nghệ phát triển, các thủ đoạn làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý. Do vậy, công cuộc tiêu diệt nạn làm hàng giả, hàng nhái là một cuộc chiến gay go, đòi hỏi nỗ lực của tất cả mọi thành phần.
Nhan nhản hàng giả
Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), từ năm 2014 đến tháng 10/2017 cả nước đã xử lý hơn 44.500 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả; trong đó có những vụ nổi cộm như sản xuất kinh doanh thuốc điều trị ung thư của Công ty dược VN Pharma, Công ty TNHH TS Việt Nam sản xuất lô mỹ phẩm giả với giá trị 11 tỷ đồng là những vụ điển hình trong kinh doanh hàng giả.
Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội bắt giữ lô tang vật trên 2.900 đôi giày, trong đó có 150 đôi là hàng giả, tại số 41, ngách 214/55, đường Nguyễn Xiển (huyện Thanh Trì), Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái thậm chí đã tồn tại trong một thời gian dài. Đặc biệt, những năm gần đây khi người tiêu dùng có tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc, đặt niềm tin vào thương hiệu Việt, thì những người kinh doanh lại tìm cách lấy hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Từ vụ việc tráo mác nhà sản xuất, lợi dụng thương hiệu nâng giá sản phẩm lên hàng chục lần của thương hiệu lụa Khai silk đã đặt ra nhiều vấn đề với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu…
Hầu hết các thương hiệu có uy tín đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, mẫu mã thay đổi liên tục và tinh vi, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Mặt khác, ngày càng nhiều người tiêu dùng có tâm lý sính hàng ngoại, hàng xách tay và một số khác lại có tâm lý thích hàng rẻ, đẹp. Lợi dụng điều này các đối tượng kinh doanh hàng giả đưa ra thị trường hàng loạt các nhãn hiệu nhái hàng nhập ngoại, hàng có thương hiệu với mức giá "bèo".
Trong trường hợp này chính người tiêu dùng đang tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái tung hoành. Bởi không ít người tiêu dùng biết mình đang mua hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận vì phù hợp với túi tiền.
Các chuyên gia cho rằng, lâu nay hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn triệt để để loại trừ hoàn toàn. Các giải pháp, chính sách của nhà nước cũng mới chỉ cắt ngọn vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ.
Do đó, đến nay vẫn chưa có bất kỳ một đánh giá nào thống kê đầy đủ những thiệt hại do vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây ra, nhưng chắc chắn, thiệt hại của chúng gây ra cho nền kinh tế là vô cùng lớn.
Không chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ, hàng giả, hàng nhái đã thực sự trở thành một “ngành công nghiệp” đen tối gây tổn hại đến nền kinh tế của đất nước, tàn phá sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, hoang mang xã hội và làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chân chính.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty Vina CHG, Tổng thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, thời gian qua công ty cũng có sự tương tác và khuyến khích nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau khi phát hiện hàng giả nên trình báo các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhưng việc xử lý hiện nay chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ. Ở góc độ người tiêu dùng khi mua phải hàng giả cũng ngại động chạm đến việc khiếu kiện, khiếu nại. Điều này vô tình tạo điều kiện cho hàng giảm hàng nhái tràn lan ngoài thị trường, thách thức cơ quan chức năng.
Đánh mất niềm tin
Theo ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389, chống buôn lậu và hàng giả là nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành nhưng việc chống buôn lậu, hàng giả của lực lượng chức năng còn xao nhãng, tạo cơ hội cho một bộ phận người dân, doanh nghiệp sản xuất hàng giả đưa ra thị trường.
Việc buôn bán hàng giả thu lợi nhuận rất lớn, doanh nghiệp và người dân vẫn bất chấp luật pháp, kinh doanh hàng giả thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng cần phải được đặt ra bởi khi lực lượng có trách nhiệm phát hiện hàng giả, đề nghị doanh nghiệp hợp tác nhưng nhiều doanh nghiệp đã không mặn mà hợp tác để truy tìm, bảo vệ chính mình.
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng (Đoàn Luật sư TP Hồ chí Minh) cho rằng, đối với các sản phẩm đã có thương hiệu, niềm tin của người tiêu dùng luôn đặt trọn vào người bán hàng, khi họ mua hàng họ tin rằng những sản phẩm hàng hóa đang được bán đảm bảo được những tiêu chí như đã quảng cáo hoặc đúng với tiêu chuẩn, những quy định của pháp luật; người tiêu dùng ít khi để ý đến vấn đề liên quan đến việc các đơn vị cung cấp có tuân thủ đúng quy định hay chưa. Vì thế khi các cơ quan chức năng phát hiện ra những sai phạm, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt, doanh nghiệp Việt.
Qua các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua cũng cho thấy lỗ hổng lớn từ phía cơ quan chức năng, lỗ hổng này không chỉ là từ các quy định mà còn từ phía người có thẩm quyền. Một mặt họ đã không tuân thủ các quy định hiện có để tiếp tay cho các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ, mặt khác không thực sự phát huy vai trò của mình trong quản lý. Điều này đã làm cho các hàng hóa dịch vụ không đúng chất lượng có cơ hội đến tay của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho những đơn vị làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, bên cạnh việc tham gia tuyên truyền, thì con người trong vai trò thực thi và giám sát là quan trọng nhất. Tất cả các hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái đều diễn ra một cách công khai, không phải là các hoạt động khó phát hiện. Vì thế khi đội ngũ có thẩm quyền không thực hiện đúng chức năng của mình thì sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp có đất để tồn tại.
Bài 2: Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia