Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 28 địa phương ven biển.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá sơ bộ của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU; báo cáo kết quả ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; thảo luận kế hoạch, lộ trình, giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; xử lý vi phạm hành vi khai thác IUU, hạ tầng nghề cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Đại biểu cũng nghe Báo cáo tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và thảo luận về kết quả thực hiện Nghị định, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển thủy sản giai đoạn mới.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) vừa qua đã đánh giá cao, ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC, khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra vào tháng 5 năm 2018 và đang đi đúng hướng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết, Đoàn Thanh tra của EC đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Việt Nam cần tập trung khắc phục; trong đó, quan trọng nhất là tình trạng vi phạm khai thác cá tại các vùng biển quốc tế, việc không lắp đặt hoặc không sử dụng các thiết bị giám sát hành trình, hạn chế trong kiểm soát tàu và thủy sản khai thác tại các tàu cá… còn diễn ra. Đáng chú ý, Đoàn công tác EC cho rằng nhận thức của ngư dân, một số bộ phận của tổ chức, cá nhân đảm nhận nhiệm vụ chống khai thác IUU vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc gỡ thẻ vàng của EC không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản, phát triển kinh tế đất nước mà đây còn là cơ hội để tái cấu trúc lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững, hiện đại; đồng thời giữ hình ảnh và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Chấm dứt vi phạm trong 6 tháng tới
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong 6 tháng tới, trước khi Đoàn Thanh tra của EC tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra, các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phải tiếp tục quán triệt, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp toàn diện để chấm dứt vi phạm của tàu cá Việt Nam tại các vùng biển quốc tế.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC để đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung khung pháp lý đảm bảo phù hợp với khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC và tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Bộ Quốc phòng chủ trì triển khai các giải pháp hiệu quả, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trong thời gian sớm nhất, trước thời điểm Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam kiểm tra lần thứ ba.
Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm để làm gương đối với tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam, các tàu cá cố tình sử dụng biển số giả của nước ngoài để vi phạm vùng biển các nước.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về ranh giới hoạt động trên biển, đảm bảo tàu cá Việt Nam được phép hoạt động khai thác hải sản hợp pháp. Đồng thời, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh thông tin về những kết quả chống khai thác IUU mà Việt Nam đã triển khai; đề nghị các nước cung cấp chứng cứ tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển, bị bắt giữ, kịp thời cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường định hướng thông tin tuyên truyền; trong đó tập trung thông tin, truyền thông về các kết quả đã đạt được, các mặt tích cực, điển hình tiêu biểu trong triển khai chống khai thác IUU.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác xử lý hành vi khai thác IUU; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về triển khai Luật Thủy sản và các nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC; các lực lượng thực thi pháp luật tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tiến hành tái cơ cấu ngành, nghề thủy sản, tTrong đó, chuyển đổi một cách hợp lý từ khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản, trên cơ sở đó xây dựng Đề án phát triển nuôi biển, coi đây là đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành thủy sản.
Nghị định 67 tạo ra bước đột phá cho ngành Thủy sản
Kết luận về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật quy định các chính sách mang tính đột phá, đồng bộ, tạo động lực phát triển ngành Thủy sản, cải thiện đời sống người dân các địa phương ven biển.
Sau 5 năm triển khai Nghị định 67, các địa phương đã thu được nhiều kết quả tích cực. Số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng 20,1%. Trong đó có nhiều tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, với khoảng 50% tàu có công suất từ 800CV trở lên được trang bị hiện đại, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được nâng lên, nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.
Đến cuối năm 2018, sản lượng khai thác hải sản toàn ngành đạt 3,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD. Trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng về sản lượng khai thác bình quân đạt 4%, tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu bình quân toàn đạt 7,5%.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị định vẫn gặp nhiều vấn đề như nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao; chính sách hỗ trợ bảo hiểm chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng tàu đóng mới không cao. Số thuyền viên đi trên tàu vỏ thép, vật liệu mới được đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 10% so với yêu cầu thực tế.
Nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế
Với mục tiêu tiếp tục tái cấu trúc, phát triển ngành Thủy sản Việt Nam hiện đại, bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách theo Nghị định 67 và các quy định liên quan; tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện vừa qua.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp rà soát, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định 67 và các văn bản liên quan cho phù hợp với thực tiễn, nhiệm vụ thời gian tới.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định 67, Nghị định 17 của Chính phủ để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng quy định.
Các địa phương tiếp tục cùng các ngân hàng thương mại đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết; hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi chủ tàu theo đúng quy định khi người dân có nhu cầu. Đồng thời, các địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả cho từng trường hợp.