Theo mạng tin "World Affairs" ngày 25/6, Tổ chức nghiên cứu kinh doanh đã công bố một báo cáo về kinh tế Trung Quốc sau khi tính toán lại Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này ngược trở về năm 1952. Báo cáo này đã trích dẫn công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Harry Wu, trong đó ước tính rằng trong giai đoạn 1978-2012, GDP của Trung Quốc chỉ tăng trung bình 7,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 9,8%/năm mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trong thời kỳ đó.
Quy mô kinh tế Trung Quốc có thể thấp hơn so với các báo cáo công bố. Ảnh: Reuters |
Ông Wu cho rằng các số liệu chính thức của Bắc Kinh về giai đoạn 1952-1977 nói chung là chính xác, ít nhất là khi xem xét chúng trong một tổng thể. Điều này cho thấy rằng các số liệu của Trung Quốc ngày càng trở nên kém tin cậy. Sự chênh lệch về số liệu trong giai đoạn 1978-2012, là giai đoạn bao trùm cái gọi là "thời kỳ cải cách", chủ yếu là kết quả của sự tính toán thiếu đầy đủ của Bắc Kinh về biến động giá trong GDP danh nghĩa. Mới đây, nhiều nhà kinh tế học, đặc biệt là nhà kinh tế Christopher Balding ở Đại học Bắc Kinh, cũng đã đi đến kết luận tương tự, cho rằng Bắc Kinh đã đánh giá thấp yếu tố lạm phát khi họ tính toán cái gọi là GDP "thực"- tức GDP với giá được điều chỉnh.
Công trình của ông Wu cho thấy quy mô của kinh tế Trung Quốc có thể chỉ bằng 2/3 so với những gì mà Bắc Kinh tuyên bố. Vì thế, những phát hiện của ông có thể ảnh hưởng đến nhận định của các nhà kinh tế học trong việc coi Trung Quốc là nền kinh tế có tốc độ trưởng nhanh nhất thế giới hoặc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Ngoài việc cho thấy quy mô thực sự của nền kinh tế Trung Quốc, công trình này còn chỉ rõ một vấn đề quan trọng hơn - đó là tính chất thiếu ổn định trong nền kinh tế của quốc gia châu Á này.
TN