Quý II/2013 - quý giảm tệ hại nhất của giá vàng trong 45 năm qua

Dù phục hồi hơn 2% trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/6 - ngày tăng mạnh nhất trong hơn một tháng qua, song kim loại quýkhép lại phiên cuối cùng của tháng 6, cũng là phiên cuối cùng của quý II, với mức giảm tổng cộng lên tới 23% trong cả quý - mức giảm theo quý tồi tệ nhất kể từ 45 năm qua.

Cú phục hồi 2,3% của giá vàng trong phiên 28/6 diễn ra trong bối cảnh không có nhiều thông tin kinh tế vĩ mô quan trọng cũng như không có sự biến động đột biến nào ở các thị trường hàng hóa và tài chính khác.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Năm 27/6, giá vàng đã lao dốc và để tuột mốc tâm lý 1.200 USD/ounce lần đầu tiên trong vòng 34 tháng khi bị bán tháo liên tục kể từ khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương nước này) Ben Bernanke cho biết FED sẽ giảm dần quy mô gói kích thích kinh tế. 

Cũng trong phiên cuối tuần 28/6, theo chân giá vàng, giá bạc đã tăng mạnh 6%, đánh dấu phiên tăng ngày mạnh nhất kể từ tháng 1/2012. 

Các nhà quan sát thị trường cho biết, nhiều nhà đầu tư đã mua trở lại trong phiên cuối tuần, cuối tháng và cuối quý (28/6) để cân bằng trạng thái do đã bán ra quá mạnh những ngày trước đó, đồng thời lo ngại rằng giá vàng có thể sẽ tăng trở lại do đã trượt quá sâu trong những ngày qua.

Đóng cửa phiên 28/6, giá vàng giao ngay tăng 24,9 USD tương đương 2,2% lên 1.226,46 USD/ounce, sau khi đã có lúc trong phiên tụt xuống 1.180,7 USD - mức giá thấp nhất kể từ tháng 8/2010. Giá vàng giao tháng 8 tăng 12,1 USD lên 1.223,7 USD/ounce. Khối lượng giao dịch khá cao, xấp xỉ 50% so với trung bình 30 ngày.

Tính chung cả tuần, kim loại quý để mất 15% giá trị, tương đương giảm khoảng 200 USD/ounce. Tính chung cả quý II, vàng "bốc hơi" 23% giá trị - quý mất giá mạnh nhất đối với vàng kể từ năm 1968. Còn tính từ đầu năm tới nay, vàng đã để mất gần 30% giá trị.

Trước đó, ngay từ phiên đầu tuần 24/6, giá vàng đã tụt dốc khi đồng đôla Mỹ tăng giá do có nhiều quan ngại về việc FED sẽ sớm kết thúc chương trình mua trái phiếu, cùng lo ngại về khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Lùi về trước nữa, giá vàng cũng đã giảm tới 7% trong tuần trước đó sau khi ông Ben Bernanke đưa ra chiến lược giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng hiện nay. 

Thị trường vàng thế giới liên tục chạm các đáy thấp kỷ lục mới trong các phiên tiếp theo do các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ cùng khả năng FED rút lại chương trình nới lỏng định lượng. Thêm vào đó, việc Ngân hàng trung ương Ấn Độ yêu cầu các ngân hàng khu vực nông thôn không cho các doanh nghiệp kim hoàn vay vốn nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh vàng - động thái nhằm làm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai đang đạt mức cao kỷ lục ở nước này, cũng phần nào ảnh hưởng tới giá vàng. Đẩy thị trường vàng lao dốc còn là những dự báo hạ thấp giá vàng của một số thể chế tài chính quốc tế, trong đó Credit Suisse hạ dự báo giá vàng năm 2013 từ mức 1.580 USD/ounce xuống 1.400 USD/ounce, Deutsche Bank và Morgan Stanley cũng hạ dự báo giá vàng xuống các mức tương ứng 1.428 USD/ounce và 1.313 USD/ounce. Đặc biệt, trong phiên 27/6, đã có lúc giá vàng tuột dốc không phanh, trượt xuống tận 1.185,9 USD/ounce - mức thấp nhất của gần 3 năm trở lại đây và là lần đầu tiên trong vòng 34 tháng qua để tuột mốc tâm lý 1.200 USD/ounce. Căng thẳng thanh khoản tại Trung Quốc như "đổ thêm dầu vào lửa" càng khiến giá vàng lao dốc, khi nhà đầu tư quan ngại nhu cầu về vàng tại quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới này. Nhà đầu tư nắm giữ vàng càng trở nên lo âu sau khi SPDR, quỹ ETF về vàng lớn nhất thế giới, vẫn liên tục bán vàng ra và tính từ đầu năm đến ngày 26/6, kho vàng của quỹ này đã "bốc hơi" tới 381 tấn. 


Trước đó, vào giữa tháng 4 vừa qua, thị trường vàng thế giới cũng vừa trải qua một đợt tuột dốc mạnh nhất trong vòng 30 năm. 

Thị trường vàng chỉ bật tăng trở lại trong hai phiên cuối tuần ngày 27 và 28/6 sau khi số liệu chính thức mới đây cho biết nhịp độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2013 chỉ đạt 1,8% thay vì 2,4% như trong thông báo sơ bộ đưa ra cách đây gần một tháng. Nhịp độ tăng trưởng này tuy thấp nhưng cũng cao hơn mức tăng chỉ đạt 0,4% trong quý cuối cùng của năm 2012. Thông tin này làm dịu bớt nỗi lo FED sẽ sớm rút lại chương trình nới lỏng tiền tệ, từ đó vàng vẫn còn cơ hội được hưởng lợi từ chương trình kích thích kinh tế khổng lồ này của FED. 

Tuy nhiên, Mark Arbeter, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại S&P Capital IQ nhận định, sẽ phải mất vài tháng để theo dõi khả năng giá vàng đảo chiều sau những cú sốc "điên đảo" vừa qua.


Thùy Chi

Châu Á sốt 'xình xịch' với vàng
Châu Á sốt 'xình xịch' với vàng

Trong khi hầu hết các nhà đầu tư phương Tây cho rằng đây là thời điểm tốt để bán ra các kim loại quý thì các báo cáo từ Dubai và Lào lại cho thấy sự nhìn nhận ngược lại từ những nhà đầu tư châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN