Vừa đưa vào đã quá tải
Trong thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đã được Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh triển khai nhằm đáp ứng như cầu phát triển của ngành hàng không; trong đó, Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài với chiều dài toàn tuyến hơn 13 km đã hoàn thành tháng 8/2016, giúp các phương tiện lưu thông vào sân bay từ hướng Gò Vấp được thuận lợi, giảm bớt áp lực cho tuyến đường Trần Quốc Hoàn – Trường Sơn.
Hiện nay, các dự án cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu) cũng đang được triển khai; dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long… đang triển khai các bước để thực hiện dự án.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng cầu vượt chữ “Y” nút giao thông đường Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài với tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng, nối đường Trường Sơn với Ga quốc nội (nhà ga T1) và Ga quốc tế (nhà ga T2) tháng 7/2017; xây dựng cầu vượt thép dạng chữ “N” tại nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm với tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng. Hiện đã đưa vào sử dụng 2 nhánh (tháng 7 và tháng 11/2017), dự kiến hoàn thành toàn dự án khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Thực tế, các dự án trên đã giúp giải tỏa phần nào áp lực giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của Cảng hàng không này. Cụ thể, dù cầu vượt chữ “Y” tại nút giao đầu đường Trường Sơn và 1 nhánh cầu vượt chữ “N” nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn (nhánh Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn, hướng vào sân bay) được đưa vào sử dụng đầu tháng 7/2017 nhưng khu vực này vẫn thường xuyên ùn tắc giao thông kéo dài.
Điển hình là ngày 20/7/2017 (ngay khi mới đưa vào sử dụng hai công trình trên), các tuyến đường vào sân bay bị kẹt xe hơn 4 giờ. Ngày 27/7/2017, tiếp tục xảy ra kẹt xe nghiêm trọng các tuyến đường khu vực này do một xe khách gặp sự cố. Ngày 28/7/2017, xảy ra ùn ứ nghiêm trọng các khu vực gần sân bay cũng như kéo dài qua nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm – Phạm Văn Đồng…
Tại buổi làm việc giữa UBND Tp. Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường thừa nhận, hệ thống giao thông kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra vào duy nhất, nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đô thị với sân bay hết sức khó khăn.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất phải tính đến kết nối giao thông các loại, kể cả đường trên cao, đường ngầm để giúp sân bay đủ sức cạnh tranh với sân bay Long Thành.
Nhanh chóng triển khai hạ tầng kết nối
Theo quy hoạch điều chỉnh sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài đường Trường Sơn hiện hữu, sẽ quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (qua đường Phan Thúc Duyện, đường 18E, đường C2 và đường C12) với quy mô 4 – 6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe, đường 18E quy mô 4 – 6 làn xe.
Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, về dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Sở đã phê duyệt dự án năm 2016, mở rộng đoạn từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài khoảng 783 m, mặt cắt ngang 22 m, với mức đầu tư trên 254 tỷ đồng. Hiện quận Tân Bình đang thực hiện các thủ tục để giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.
Ngoài ra, trong Quy hoạch điều chỉnh cũng nghiên cứu bổ sung cầu vượt trên cao đoạn từ đường Phan Thúc Duyện qua Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm Thành phố đến nhà ga T3; quy hoạch bổ sung tuyến đường trên cao từ cuối sảnh nhà ga quốc tế T2, qua nhà ga quốc nội T1 theo đường Thăng Long tới Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và một nhánh đi qua công viên Hoàng Văn Thụ xuống đường Hoàng Văn Thụ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tuyến đường Phan Thúc Duyện có lộ giới không lớn và lưu lượng xe không nhiều. Tuy nhiên, do tuyến đường này cắt đường Trần Quốc Hoàn từ sân bay ra (đường một chiều) tạo nên xung đột giao thông. Nếu quy hoạch được thực hiện, tuyến đường này được xem là “huyết mạch”, có vai trò rất quan trọng để giảm tải khu vực này. Việc giải phóng mặt bằng để mở rộng tuyến đường này cũng khá thuận lợi, do mặt bằng trống.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, cần nghiên cứu triển khai ngay hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là đường Phan Thúc Duyện. Đây được xem là trục giao thông rất quan trọng được mở với quy mô mặt cắt phù hợp. Đối với giao thông đối ngoại, các công trình trọng điểm của quy hoạch điều chỉnh phải triển khai đồng bộ, khi đưa vào khai thác đồng bộ.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, do sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có lối vào “độc đạo” nên Thành phố đang nghiên cứu thêm một số dự án nhằm giải tỏa áp lực giao thông khu vực này. Đó là đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (song hành Cộng Hòa) với chiều dài khoảng 3,5 km, tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.400 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng hơn 734 tỷ đồng). Hiện UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng phương án tuyến, quy mô đầu tư và diện tích ảnh hưởng đất quốc phòng của dự án.
Sau khi Dự án hoàn thành, sẽ hình thành một tuyến đường song song với đường Cộng Hòa, đi đến nhà ga T3, kết nối với nhà ga T1, T2. Việc hình thành tuyến đường này trong tương lai sẽ rất quan trọng, tạo nên lối riêng kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, giảm áp lực cho lối vào “độc đạo” hiện nay từ đường Trường Sơn.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng mở rộng đường Tân Sơn (bổ sung vào dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch); tuyến đường sắt đô thị metro 4b-1 (dự án nhánh sân bay Tân Sơn Nhất của metro số 4b), tuyến metro số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).