Huy động vốn như thế nào?
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), đến hết tháng 6/2021, cả nước có 286 bến cảng/chiều dài khoảng 96 km cầu cảng (gấp hơn 4,5 lần năm 2011), với tổng lượng hàng hóa thông qua đạt 692,2 triệu tấn. Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển (25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa), trong đó, ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ, phía nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu, vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore).
Các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển liên vùng như: Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cảng biển TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long... đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống cảng biển giai đoạn 2011 - 2020 vẫn tồn tại nhiều bất cập như: Chưa đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương, các ngành khác, dẫn đến tình trạng ùn ứ trong quá trình vận tải hàng hóa đến các khu bến cảng. Thực tế này cho thấy, quy hoạch cũ đã kết thúc, cần quy hoạch mới để cảng biển Việt Nam vươn ra biển lớn.
Để khắc phục các bất cập của quy hoạch cũ, quy hoạch cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam cần huy động vốn khoảng 300.000 - 320.000 tỷ đồng thực hiện (Tổng nguồn vốn đã huy động lĩnh vực hàng hải giai đoạn 2011 - 2020 là 202.000 tỷ đồng, gồm vốn doanh nghiệp hơn 173.000 tỷ đồng, chiếm 86% và ngân sách Nhà nước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, chiếm 14%).
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Chính phủ đã và đang từng bước kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đồng thời, chỉ đạo các giải pháp đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2030 đạt tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 7%/năm. Với tốc độ này, việc huy động hơn 300.000 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp đầu tư cho cảng biển 232.000 tỷ đồng và cảng cạn 65.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng (5%) đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (luồng hàng hải, đê chắn sóng, chắn cát, đèn biển… là khả thi. Nhu cầu vốn thực hiện được ước tính theo quy mô đầu tư kết cấu hạ tầng quy hoạch trên nguyên tắc “vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và “vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi” để thu hút nguồn vốn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các giải pháp, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hành lang pháp lý về vấn đề này đối với ngành Hàng hải đã được tháo gỡ, hoàn thiện theo hướng phân cấp tối đa cho địa phương cấp phép, thu hút đầu tư, thủ tục đơn giản, thuận lợi.
Quy hoạch cảng biển đi trước một bước
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hàng hải là tiếp tục duy trì sự tăng trưởng của khối cảng biển trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, làm cơ sở để hoàn thiện quy hoạch cảng biển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo tiền đề phát triển bền vững kinh tế biển theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Với mục tiêu quy hoạch cảng biển phải đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo đánh giá, xin ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, để đảm bảo quy hoạch được triển khai theo đúng lộ trình, hạn chế tình trạng cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực đầu tư như quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời, đảm bảo sự kết nối giao thông.
"Quy hoạch cảng biển giai đoạn 2021 - 2030 tính đến sự phù hợp với quy hoạch đô thị, đảm bảo sự kết nối giao thông với cảng biển được tốt nhất", Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định,
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), điểm mới của quy hoạch cảng biển giai đoạn này là đảm bảo tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải, khắc phục tất cả những hạn chế của các quy hoạch trước đây. Với lợi thế về chi phí vận chuyển rẻ, thích hợp với vận chuyển khối lượng lớn, cự ly xa, ngành Hàng hải sẽ trở thành phương thức vận tải chủ yếu phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường quốc tế.
Còn theo các chuyên gia giao thông, để quy hoạch cảng biển Việt Nam vươn ra quốc tế, cạnh tranh và hội nhập, ngành Hàng hải cần đi trước đón đầu xây dựng các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; hoàn thiện hạ tầng logistics, cũng như hệ thống giao thông kết nối liên thông giữa cảng biển với các vùng miền trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển nâng cao năng lực đội tàu, ưu tiên thị phần vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi quốc tế.