Điều này khiến sản lượng khai thác hải sản và thu nhập của ngư dân giảm, thiếu nguyên liệu cho một số nghề chế biến. Lao động bỏ nghề đi biển để tìm nghề khác cho thu nhập cao hơn; tàu cá nằm bờ không hoạt động xuống cấp và hư hỏng.
Những ngày cuối tháng 6/2022 tại Khu neo đậu tránh trú Bắc Cửa Việt, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, ngư dân đã đưa nhiều tàu cá công suất lớn vào neo đậu gần bờ. Tại đây có nhiều đội tàu neo đậu và mỗi đội có từ 5 - 6 tàu kết lại thành hàng nằm “án binh bất động” ngày này qua ngày khác. Các cảng cá cũng kém sôi động, nhộn nhịp mặc dù đang ở chính vụ cá Nam (từ tháng 4 – 9 hàng năm).
Ngay từ đầu năm 2022, nhằm giảm tác động từ giá dầu và chi phí chuyến biển tăng cao, ngư dân đã đa dạng hóa nghề đánh bắt hải sản, vươn khơi theo tổ đội để hỗ trợ nhau đưa hải sản đánh bắt được về bờ, tập trung khai thác hải sản có giá trị cao. Tuy nhiên, gần đây giá dầu liên tục lập đỉnh, giá các mặt hàng khác cũng tăng theo khiến chi phí cho mỗi chuyến biển vượt quá khả năng của nhiều ngư dân.
Ngư dân Võ Văn Thức, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh có tàu cá công suất 800CV làm nghề vây rút cho biết, chiếc tàu này ông Thức đóng mới nhờ vốn vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ.
Theo ông Thức, một chuyến biển xa bờ khoảng 20 ngày, nhiên liệu hết khoảng 10.000 lít dầu diesel với trị giá hơn 300 triệu đồng. Cùng với 1.000 cây đá lạnh để bảo quản hải sản trị giá 20 triệu đồng và chi phí khác như công lao động, lương thực, thực phẩm thì tổng chi phí cho mỗi chuyến biển lên đến từ 420–430 triệu đồng.
Ông Thức chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, ông đi biển hai chuyến và sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi chuyến lỗ hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, khi tiền trả lãi ngân hàng vẫn phải thực hiện hàng tháng. Lỗ nặng sau hai chuyến biển nên đành phải để tàu cá nằm bờ.
Ngư dân Bùi Đình Thủy - Tổ trưởng Tổ đánh bắt hải sản xa bờ Gio Hải, huyện Gio Linh nhận định, ngư dân đang lâm cảnh vô cùng khó khăn, bởi thu không đủ bù chi kể từ đầu năm 2022 đến nay. Vì vậy, nhiều ngư dân đã để tàu cá công suất lớn nằm bờ.
Theo Cục thống kê Quảng Trị, giá xăng dầu tiếp tục tăng làm cho thu nhập từng chuyến biển giảm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình khai thác hải sản. Nhiều tàu cá nằm bờ làm cho sản lượng thuỷ sản khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước.
Minh chứng là sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2022 ước tính đạt 2.907 tấn, giảm 0,62% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cá 2.031 tấn bằng cùng kỳ năm trước, thủy sản khác 861 tấn giảm 1,26%.
Sản lượng hải sản giảm cũng đồng nghĩa với thu nhập của ngư dân giảm, thậm chí không có thu nhập do tàu cá nằm bờ. Do đó, nhiều lao động đi biển, nhất là lao động trẻ tuổi bỏ nghề đi biển để làm nghề khác. Qua đó, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động đi biển vốn đã diễn ra nhiều năm qua.
Sản lượng khai thác giảm do tàu cá nằm bờ cũng khiến nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nghề làm nước mắm, cơ sở hấp cá phơi khô… có nguy cơ bị thiếu. Ngoài ra, tàu cá nằm bờ dài ngày không hoạt động nên có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng. Để tàu cá không bị hư hỏng khi nằm bờ, ngư dân phải bỏ tiền ra bảo dưỡng, vệ sinh tàu và ngư lưới cụ thường xuyên.
Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt thuộc Biên phòng Quảng Trị quản lý 180 tàu cá công suất lớn đánh bắt hải sản xa bờ của tỉnh Quảng Trị. Thiếu tá Trần Quốc Nhật - Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt cho biết, giá dầu tăng liên tục tăng cao trong khi ngư dân đánh bắt xa bờ đạt sản lượng thấp nên các đội tàu cá hoạt động cầm chừng. Do đó, ngư dân mong muốn nhà nước sớm có các chính sách hỗ trợ như chậm trả lãi suất và vốn vay ngân hàng.
Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.300 tàu cá; trong đó, có hơn 230 tàu công suất lớn khai thác xa bờ. Năm 2022, tỉnh phấn đấu khai thác được 27.500 tấn hải sản.