Quảng Ninh "3 cùng” với doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: Tỉnh thực hiện “Cùng đi, cùng đến và cùng hiệu quả” với các doanh nghiệp.

UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN

Quảng Ninh được biết đến là tỉnh có bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, với phương châm lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Nhờ đó Quảng Ninh trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư tìm cơ hội phát triển.

Tỉnh xác định việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử gắn liền với trung tâm hành chính công, mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp. Sau gần 3 năm hoạt động, các trung tâm hành chính công đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Đưa 90% thủ tục hành chính công cấp tỉnh vào giải quyết, 100% các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp ở dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Thông qua hệ thống các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, giờ đây, các doanh nghiệp chỉ cần đến các trung tâm hành chính công làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh… với phong cách phục vụ văn minh, hiện đại, đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi và nhanh gọn. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp tại các trung tâm hành chính công đã giảm được 40% và phấn đấu giảm được 50% so với quy định của Trung ương.

Quảng Ninh từng gây tiếng vang với cộng đồng doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính vào năm 2012. Khi đó, tỉnh lần đầu tiên cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư nước ngoài trị giá 300 triệu USD chỉ sau 8 giờ làm việc, sau 24 giờ nhà đầu tư nộp hồ sơ. Đó là dự án Nhà máy sợi tại khu công nghiệp Hải Yên, thành phố Móng Cái, của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (Hồng Kông - Trung Quốc). Dự án đã đi vào hoạt động, giúp giải quyết hàng ngàn lao động.

Giữa tháng 11 vừa qua, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên) với mức đầu tư lên tới 315 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng). Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp của Quảng Ninh thời gian qua.

Có tới 98% người dân, doanh nghiệp được điều tra, thăm dò đều tỏ thái độ hài lòng và đánh giá cao hoạt động của các trung tâm hành chính công. Đây là sự thành công lớn trong cải cách hành chính của Quảng Ninh, qua đó thể hiện đây là chính quyền phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Bà Ngô Thị Yến (trú ở khu 5, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long) đến Trung tâm hành chính công tỉnh làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá. Bà Yến hài lòng về tinh thần phục vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm cao; hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh của bà được giải quyết nhanh, trước thời hạn theo quy định.

Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 (là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng khai báo và nộp thủ tục hành chính trên mạng trực tuyến và chỉ đến các trung tâm hành chính một lần, khi có kết quả) trở lên ở tất cả các trung tâm hành chính công nhằm đảm bảo xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả cao. Từ ngày 1/7, Quảng Ninh đã triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở 15 sở, ngành và 3 địa phương là thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên.

Quảng Ninh đang theo đuổi mục tiêu phát triển được 22.000 doanh nghiệp vào năm 2020 (tăng gấp đôi so với năm 2016). Vì vậy, tỉnh nỗ lực đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả của cơ quan xúc tiến đầu tư song hành với xây dựng hoàn thiện chính quyền điện tử với hệ thống các trung tâm hành chính công.

Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương cắt giảm 30% thời gian hội họp ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo, dành nhiều thời gian đi cơ sở, chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đổi mới công tác tiếp xúc doanh nghiệp theo từng chuyên đề, thiết thực và hiệu quả; tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp (cấp tỉnh 1 lần/quý, cấp huyện 1 lần/tháng); tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia góp ý vào các quy định, chính sách của tỉnh…

Nhờ nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hỗ trợ mọi mặt đối với doanh nghiêp nên môi trường kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh được cải thiệt rõ rệt, năng lực cạnh tranh của tỉnh những năm qua đều nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất nước. Năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc, dòng đầu tư của các doanh nghiệp đến với Quảng Ninh ngày càng tăng mạnh qua các năm.

Văn Đức (TTXVN)
Tập trung giám sát những vấn đề cải cách hành chính
Tập trung giám sát những vấn đề cải cách hành chính

Chiều 19/11, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016" đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN