Trong những năm qua, nhờ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và hướng dẫn nông dân trồng mới, nhập các giống cây trồng con vật nuôi phù hợp khí hậu địa phương đã được một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam chú trọng đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực. Mới đây, tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá tầm xứ lạnh - một giống cá nhập từ Nga có giá trị kinh tế cao.
Cá tầm đã được nuôi thành công ở hồ chứa của Thủy điện Đa Mi - Hàm Thuận. Ảnh nld.com.vn |
Cá tầm là loại cá sinh sống ở môi trường lạnh, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao và đã được nuôi thử nghiệm ở một số nơi như Đà Lạt, Sa Pa ,… Sau khi khảo sát địa điểm, khu vực suối Tr’lêê ở xã A Tiêng được ngành nông nghiệp huyện Tây Giang xác định là nơi khá phù hợp với điều kiện sinh trưởng của loại cá tầm. Trên diện tích 200m2 ban đầu ở suối, hơn 700 con cá tầm giống được thả nuôi với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu đồng. Mỗi con cá tầm giống được nhập về với kích thước bằng ngón tay có giá 140.000 đồng. Trong thời gian nuôi thử nghiệm, đàn cá tầm phát triển rất nhanh. Hiện trên thị trường, giá cá tầm dao động khoảng 400-450.000 đồng/kg. Do có giá trị dinh dưỡng cao nên cá tầm đang được thị trường ưa chuộng. Thời gian nuôi thường trong 1 năm với trọng lượng từ 2 - 2,5 kg. Với chi phí nuôi trung bình 300.000 đồng/con thì giống cá này sẽ mang một nguồn lợi khá lớn cho người chăn nuôi.
Ông Hồ Đắc Vinh, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Tây Giang cho biết: điều kiện tự nhiên của huyện Tây Giang rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của giống cá tầm. Nếu việc nuôi thí điểm giống cá này thành công sẽ là nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương. Bởi phần lớn các cây trồng trên địa bàn không có hiệu quả, năng suất thấp, việc tìm kiếm các giống cây trồng, con vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương là cần thiết.
Theo ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, do điều kiện địa hình khó khăn cũng như trình độ dân trí của bà con còn thấp nên việc xác định mô hình canh tác cụ thể, phù hợp có thể tạo thu nhập ổn định cho bà con miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nông thôn mới ở khu vực này. Vì vậy, với những thành công bước đầu đầy khả quan từ mô hình thực nghiệm này, cá tầm sẽ cùng với cây cao su, sâm ba kích… trở thành những mặt hàng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của địa phương. Đây cũng là một trong những . nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành huyện Tây Giang tập trung đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Sau khi khảo sát các điều kiện môi trường, sắp tới huyện Tây Giang mở rộng vùng nuôi cá tầm thêm 3.000m2 tại thôn A Xòo, xã A Nông - xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện./.
H.Chung