Gợi mở chương trình làm việc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương quán triệt nội dung của chương trình làm việc là địa phương trình bày khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, những bất cập khi đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ kết hợp với chương trình làm việc tại các địa phương khác trong cả nước và căn cứ tình hình thực tiễn sản xuất, có những đóng góp khoa học, phù hợp thực tiễn trình Bộ Chính trị có bổ sung, sửa đổi kịp thời để Nghị quyết số 23-NQ/TW đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 16 năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5050/KH-UBND năm 2018 để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các mục tiêu phát triển công nghiệp thực hiện giai đoạn 2018 - 2023 đạt thấp so với kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, hạ tầng giao thông đường biển, đường hàng không, đường bộ, khu dân cư, tái định cư, nhà ở công nhân cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của địa phương theo định hướng phát triển như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Đến nay, tỉnh Quảng Nam có khoảng 1.440 doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, Quảng Nam thành lập mới 3 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp trong toàn tỉnh lên 18 khu, với tổng diện tích 3.676 ha.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thẳng thắng thừa nhận, vì nhiều lý do, phát triển công nghiệp của địa phương tuy có những chuyển biến đáng kể, song chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Tỉnh mong muốn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp silicat song đến nay chưa có các quyết định thống nhất để địa phương có cơ sở thực hiện. Mặt khác, hạn mức đất công nghiệp và cụm công nghiệp của tỉnh Quảng Nam còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đối với Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Nam đã và đang tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số.
Theo đó, các địa phương, cơ quan đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, xã hội số, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng dữ liệu đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng số, phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu mới.
Tuy nhiên, trụ cột kinh tế số, xã hội số của Quảng Nam chưa được quan tâm triển khai tương xứng với xây dựng chính quyền điện tử. Hạ tầng viễn thông ở khu vực miền núi, biên giới, khu vực địa hình khó khăn, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời, hệ thống mạng các đơn vị chưa được chuẩn hóa, chưa kết nối thông suốt đến cấp xã.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển và các thành viên trong Đoàn công tác ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam trình cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện để Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 52-NQ/TW đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.