Mặc dù Quy định áp giá trần với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có hiệu lực nhưng việc quản lý giá nhóm hàng thiết yếu này vẫn là thách thức với cơ quan quản lý. Lý do là sữa và các sản phẩm tương tự như sữa liên tục được đăng ký thay đổi mẫu mã, thành phần công thức nhưng cho đến nay, khái niệm “sản phẩm sữa” vẫn chưa có được sự chuẩn hóa để rồi tạo ra “kẽ hở” cho một số doanh nghiệp trục lợi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn. PV: Sau hơn một tháng thực hiện quy định áp giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, theo ông đâu là những kết quả đáng ghi nhận và đâu là những bất cập còn tồn tại? Ông Nguyễn Anh Tuấn: Dưới sự biến động bất thường của thị trường sữa, thực hiện Nghị quyết 29 của Chính phủ, ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079 thực hiện áp giá trần với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ cũng ban hành Văn bản 6544 hướng dẫn các sở tài chính tính toán bảng giá bán buôn tối đa và bán lẻ tối đa; đưa ra danh mục giá khuyến nghị với 141 sản phẩm của 4 doanh nghiệp đăng ký giá tại Bộ Tài chính. Theo đó, các sở tài chính ở các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố công bố giá bán buôn, bán lẻ với các dòng sản phẩm. Tính đến hết ngày 30/6, có 469 dòng sản phẩm sữa các loại cho em dưới 6 tuổi đã được công bố giá buôn, giá bán lẻ trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn khi việc xác định tên gọi cho các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và các sản phẩm khác tương tự như sữa của các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, việc xác định từ giá bán lẻ đảm bảo không vượt quá 15% giá bán buôn và phải thấp hơn giá bán lẻ trước khi thực hiện áp giá trần cũng là thách thức với cơ quan quản lý bởi sản phẩm thiết yếu này đến tay người tiêu dùng thường phải qua nhiều tầng nấc trung gian.
Khách hàng chọn mua sữa tại siêu thị. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
PV: Sự mập mờ trong khái niệm giữa "thực phẩm dinh dưỡng" và “sản phẩm sữa” đang là tấm “lá chắn” mà nhiều doanh nghiệp sử dụng để đối phó hiệu quả với quy định áp giá trần của Bộ Tài chính cho sản phẩm sữa trẻ em dưới 6 tuổi. Trong khi đó, người tiêu dùng lại khó phân biệt được đâu là sữa, đâu là sản phẩm dinh dưỡng. Vậy Bộ Tài chính có hướng gì để xử lý các bất cập này? Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề này đã được quy định rõ trong Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Theo đó, cả hai mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm chức năng bổ sung vi chất cho trẻ em dưới 6 tuổi để thực hiện bình ổn giá theo Nghị quyết 29 của Chính phủ đều thì phụ thuộc vào quy chuẩn tên gọi theo Thông tư 30 hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện nay, việc xác định tên gọi sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý, đặc biệt là giữa hệ thống tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổ chức hải quan thế giới (Hệ thống HS) đang được Tổng cục Hải quan áp dụng và hệ thống tiêu chuẩn của Bộ Y tế phân loại theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế (Hệ thống Codex).
Thực tế trên thị trường cho thấy, người tiêu dùng vẫn quen gọi các mặt hàng này là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng nếu gọi theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì không còn sản phẩm sữa trên thị trường mà chỉ có sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Trong khi đó, theo phân loại của Tổng cục Hải quan theo tiêu chuẩn HS thì vẫn có cả mã số áp cho sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng.
Vì vậy, theo tôi, quan trọng nhất là phải chuẩn hóa được tên gọi sản phẩm thì mới thực hiện bình ổn được giá sản phẩm theo Luật Giá bởi theo Luật này, chỉ những mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá thì mới phải áp dụng quy định áp giá trần và đăng ký giá trong thời hạn 6 tháng. Bộ Tài chính đã đề nghị phải có sự chuẩn hóa mã số hàng hóa để gắn với việc theo dõi, quản lý các mặt hàng này. Thông tin mới nhất là theo Luật Hải quan mới, Bộ Tài chính được giao thực hiện mã hóa các mặt hàng để thực hiện việc đồng nhất mã số hóa đối với các tên hàng. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, mặt hàng thiết yếu cho trẻ dưới 6 tuổi này sẽ được sắp xếp theo mã số hàng hóa và việc quản lý giá với mặt hàng thiết yếu này sẽ hiệu quả hơn.
PV: Là cơ quan được giao trách nhiệm quản lý giá sữa, giải pháp của Bộ Tài chính là gì để xử lý tình trạng doanh nghiệp thay đổi nhãn mác sản phẩm hoặc rút trọng lượng để “lách” quy định áp giá trần với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi? Ông Nguyễn Anh Tuấn:
Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động rà soát các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, thực hiện đăng ký giá bán với cơ quan quản lý giá. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xác định danh mục các mặt hàng thuộc diện sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện kê khai giá bán với cơ quan quản lý nhà nước về giá. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý giá sẽ xác định giá trần bán buôn, bán lẻ tối đa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như thực hiện Nghị quyết 29 của Chính phủ.
Đối với các sản phẩm đã thực hiện đăng ký với các cơ quan quản lý về giá mà thay đổi mẫu mã, chất lượng, trọng lượng sản phẩm thì đều phải đăng ký giá lại với cơ quan quản lý về giá. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét tính hợp lý, hợp lệ của các chi phí có liên quan tới dòng sản phẩm này. Nếu các sản phẩm chỉ thay đổi về trọng lượng thì sẽ phải thay đổi về tương quan giữa giá và trọng lượng. Còn nếu chỉ thay đổi về bao bì thì doanh nghiệp vẫn phải đăng ký lại để cơ quan quản lý giá tính toán sự thay đổi về các chi phí này. Với các sản phẩm mới có sự thay đổi về thành phần công thức sữa thì cũng phải chứng minh về chi phí hợp lý, hợp lệ đầu vào để xác định giá cho các dòng sản phẩm mới này.
PV: Theo ông, việc phân định trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Y tế trong thời gian tới cần theo hướng cụ thể nào để công tác quản lý, giám sát giá sữa và thị trường sản phẩm sữa này thực sự mang lại hiệu quả cao nhất, vì quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sau khi Nghị quyết 29 của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế giúp cập nhật các thông tin về các sản phẩm dinh dưỡng, các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo Nghị quyết bình ổn giá của Chính phủ; đồng thời hướng dẫn các mặt hàng thực phẩm chức năng để cơ quan quản lý giá xem xét. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo mặt bằng giá bán lẻ tối đa mà các sở tài chính địa phương đã ban hành, đảm bảo Nghị quyết của Chính phủ được thực hiện đúng, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kim Anh