Quản lý an toàn thực phẩm cuối năm

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm cũng là cơ hội cho thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng được dịp tung hoành. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, vận chuyển thực phẩm trên địa bàn.

Thực phẩm “bẩn” bùng phát

Càng gần đến cuối năm, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn” từ các tỉnh thành khác tuồn vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Chỉ trong tuần qua, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phối hợp với cảnh sát giao thông Rạch Chiếc và đội quản lý thị trường Thủ Đức phát hiện, xử lý 3 trường hợp “trốn” kiểm dịch sản phẩm động vật trên tuyến quốc lộ 1A. Theo đó, tang vật thu được gồm 3.800 kg thịt bò đông lạnh nhập khẩu, 7.500 thịt gà đông lạnh nhập khẩu, 22.239 kg phụ phẩm bò đông lạnh. Trạm thú y Hóc Môn cũng đã kiểm tra, xử lý 2 trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc; trạm thú y huyện Củ Chi cũng đã phát hiện và xử lý 18 trường hợp kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân dịp cuối năm, thành phố đã thí điểm lập 15 đoàn thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã. Các đoàn thanh tra chuyên ngành này đã kiểm tra 1.377 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện 799 cơ sở vi phạm (chiếm 58%), đã xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng và đóng cửa vĩnh viễn 2 cơ sở vi phạm nghiêm trọng.

Để có các sản phẩm sạch người dân nên tìm mua thực phẩm tại các đơn vị kinh doanh có uy tín.

“Công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do các văn bản pháp luật còn chồng chéo, cán bộ chuyên môn tại cấp cơ sở còn thiếu. Tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn ở quy mô nhỏ lẻ cho nên khó phát hiện vi phạm. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra của đơn vị còn rất mỏng, không thể quán xuyến, kiểm soát hết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Hưng cho biết.

Một đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, mức xử phạt đối với vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, thương lái hám lời, người mua thiếu hiểu biết… đang là những nguyên nhân khiến tình trạng thực phẩm “bẩn” tràn lan.

Mở các đợt cao điểm thanh tra

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết ngành y tế và các đơn vị đã có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm, trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống. Khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh, triệt để. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành nhằm kiểm soát và đưa nông sản, thực phẩm an toàn về thành phố tiêu thụ nhằm mở rộng và nâng dần số lượng các chuỗi thực phẩm an toàn. “Thành phố cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh thực phẩm để phát hiện kịp thời chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, sản phẩm chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân”, ông Bỉnh khẳng định.

Trong khi đó, vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 5 đoàn kiểm tra thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và hoạt động kinh doanh hàng hóa trên địa bàn.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết trong đợt kiểm tra này, bên cạnh việc kiểm soát chặt vấn đề giá cả, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, Sở cũng sẽ tăng cường phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành đẩy mạnh khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở, đơn vị kinh doanh sản xuất thực phẩm. Trong đó, Sở chú trọng tăng cường kiểm soát “đầu vào” của thực phẩm tại các chợ truyền thống, những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ nhất quyết không cho vào chợ tiêu thụ. Ngoài ra, các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng sẽ được nêu tên trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết và tránh dùng sản phẩm của những đơn vị đó.

“Hiện nay, thành phố có hơn 8 triệu dân và khoảng 2 triệu khách vãng lai nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn, trong đó, bình quân mỗi ngày thành phố tiêu thụ số lượng gồm 8.000 - 10.000 con lợn, 750 - 850 con trâu, bò, 120.000 - 130.000 con gia cầm và trên 200 tấn sản phẩm đông lạnh nhập khẩu. Để có nguồn hàng đảm bảo chất lượng và giá cả ổn định trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2017, thành phố triển khai chương trình bình ổn với lượng hàng từ siêu thị chiếm đến 20 - 30%, 3 chợ đầu mối lớn chiếm 50 - 60% và 10% còn lại ở các chợ truyền thống, doanh nghiệp khác. Việc phân bổ hàng bình ổn vào các điểm đầu mối sẽ giúp công tác quản lý chất lượng được tốt hơn”, ông Phương Đông cho biết.

Ngoài ra, theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu giảm 30% so với năm 2015 về tỉ lệ mẫu rau củ quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn tối đa cho phép, bắt đầu từ ngày 25/12, đơn vị sẽ triển khai đợt cao điểm kiểm tra trên phạm vi toàn thành phố. Đối tượng kiểm tra là các hộ, cơ sở trồng rau tại thành phố; chủ lô hàng nhập khẩu, kinh doanh rau củ quả tại Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền; các doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, đóng gói, xuất nhập khẩu và kinh doanh trên địa bàn…

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh: Xử lý thật nặng để răn đe Đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, vấn đề quan trọng nhất là các đơn vị quản lý, người dân phải kiểm soát, ngăn chặn được "thực phẩm bẩn", không để người dân hàng ngày phải ăn các loại thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, cần có lộ trình lâu dài để kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý thật nặng các trường hợp vi phạm để tăng sức răn đe. Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đứng ra tố cáo, tố giác khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không an toàn. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Thành lập Ban an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe là sự mong mỏi của người dân thành phố hiện nay. Trách nhiệm của lãnh đạo thành phố là làm sao đem lại nguồn thực phẩm sạch đến từng bữa ăn của người dân. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND TP đã trình đề án thành lập Ban an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở hợp nhất một số bộ phận ở các ngành y tế, công thương, nông nghiệp và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Ban an toàn vệ sinh thực phẩm này chỉ có ở cấp thành phố và cấp quận huyện sẽ là các cán bộ chuyên trách. Khi ban này được thành lập, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt tại các cửa ngõ Thịt lợn chứa chất tạo nạc là điểm nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố nên các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, lấy mẫu để phát hiện, xử phạt các trường hợp vi phạm. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tới, các cơ quan thú y trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra chặt tại các cửa ngõ thành phố để phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo được vận chuyển vào thành phố tiêu thụ.


Hoàng Tuyết - Lê Nghĩa
Phát hiện 58% cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Phát hiện 58% cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Qua thanh tra chuyên ngành, các lực lượng chức năng phát hiện tới 58% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vi phạm an toàn thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN