Đến với thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay, chúng tôi được chứng kiến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị đua nhau mọc lên nằm xen kẽ các trục đường nhựa, đường bê tông sạch bóng. Các trục đường QL 2, trục đường chính nằm trong phạm vi thị xã này lúc nào cũng tấp tập công nhân lao động đến nhà xưởng làm việc, các xe tải hạng nặng cũng liên tục qua lại, chở những sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn như ô tô, xe máy, linh kiện của nhà máy Toyota, Honda... từ Phúc Yên để đưa về các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ suốt ngày đêm. Mỗi buổi chiều, buổi tối, Phúc Yên xuất hiện những chàng trai, cô gái diện trang phục đủ sắc màu trên các đường phố. Đây là những học sinh - sinh viên của các trường cao đẳng, đại học, công nhân.., phần lớn ở các tỉnh, thành khác đến đây học tập, lao động và giờ nghỉ cũng là lúc dạo phố, mua sắm, giao lưu bè bạn... khiến các khu đô thị, nhất là khu du lịch quanh Hồ Đại Lải lúc nào cũng ngập tràn niềm vui của giới trẻ.
Khu Resort Flamingo ở Đại Lải. Ảnh: Internet.
|
Ông Vũ Việt Văn, Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên- vui vẻ thổ lộ: "Bao nhiêu năm là lãnh đạo Đoàn và sống với đoàn viên thanh niên, khi được điều động, bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND thị xã tưởng như mình sẽ đơn độc thì nay tôi vẫn có đầy bạn trẻ, đầy cơ hội giao lưu, chia sẻ".
Ông Khổng Sơn Trường - Bí thư Thị ủy Phúc Yên nhớ lại: Phúc Yên trước năm 2000 còn nghèo nàn, lạc hậu lắm. Tuy là địa bàn nằm cạnh Quốc lộ 2, có đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua, cách sân bay quốc tế Nội Bài hơn 10 km, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km... nhưng kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, chưa xứng với tiềm năng.
Phúc Yên đã tranh thủ sự chỉ đạo, đồng thời thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của tỉnh Vĩnh Phúc, của Đảng bộ thị xã là phải phấn đấu đưa Phúc Yên xứng tầm đô thị trung tâm kinh tế - văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc bằng việc thực hiện huy động các nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị được hình thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh, người dân làm dịch vụ.
Phúc Yên giờ đây trở thành trung tâm kinh tế, du lịch, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao và đào tạo quốc gia; trung tâm kinh tế công nghiệp - dịch vụ quan trọng của tỉnh và khu vực, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng, giữ vị trí chiến lược quan trọng về phát triển công nghiệp và thương mại - du lịch. Các công trình trụ sở, trường học, bệnh viện, đường giao thông và các kết cấu hạ tầng được xây dựng.
Tốc độ tăng trưởng và phát triển cao, toàn diện bao gồm: công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng chủ yếu, thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu mối. Cùng với đó, Phúc Yên còn có vùng sinh thái thiên nhiên khu vực Đại Lải, Ngọc Thanh. Đây là điều kiện để góp phần tạo nên một đô thị trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí cho tỉnh, cả vùng và khu vực lan tỏa của thủ đô Hà Nội mà ít đô thị trong nước có được.
Một trong những điều quan tâm nhất, đó là kinh tế xã hội ở Phúc Yên phát triển và đạt được các chỉ tiêu đầy ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phúc Yên giai đoạn 2009-2012 đạt trên 18,8%, thu ngân sách năm 2011 là 12.569 tỷ đồng và năm 2012 khi kinh tế suy giảm nhưng vẫn đạt 10.568 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với cả nước. Cơ cấu kinh tế thị xã có bước chuyển dịch rõ rệt theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở Phúc Yên ngày càng tăng, tổng số doanh nghiệp hiện nay là 522, đưa tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của thị xã trong năm 2012 lên 36.400 tỷ đồng; trong đó, công nghiệp trong nước đạt 1.176 tỷ đồng, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 35.000 tỷ đồng. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ở Phúc Yên là: gạch ốp lát đạt 19 triệu m2, ô tô phần lớn của Toyota đạt gần 25.000 chiếc, xe máy Honda đạt trên 2,2 triệu chiếc…
Phúc Yên trở thành điểm sáng về thu hút các dự án "Ra tấm, ra món" và trở thành Trung tâm sản xuất ô tô xe máy lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng chục lao động có thu nhập ổn định, được tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới. Đã có nhiều nhà quản lý cho rằng sản phẩm công nghiệp ở Phúc Yên gắn chặt với khách hàng, người tiều dùng giàu có. Riêng 5 năm trở lại đây, Vĩnh Phúc cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu ô tô và xe máy tay ga cao cấp, chủ yếu là sản xuất tại Phúc Yên.
Du lịch - dịch vụ cũng phát triển nhanh, điển hình là xung quanh hồ Đại Lải chủ yếu trên địa bàn xã Ngọc Thanh và Cao Minh đã có hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giả trí được mọc lên và đi vào hoạt động hiệu quả. Nói đến khu du lịch Đại Lải, người dân trong và ngoài tỉnh đều cho rằng đây là điểm đến lý tưởng của du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không gian rộng mở, thơ mộng.
Diện tích tự nhiên của vùng hồ khoảng 1.500ha, trong đó diện tích mặt nước 525ha, trong lòng hồ như đảo chim, đảo ngọc. Phía bắc hồ Đại Lải là dãy Tam Đảo, núi non cao và xa dần với những cánh rừng xanh ngút ngàn. Những năm qua, với chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc, Khu du lịch Đại Lải đã và đang thu hút nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm vui chơi giải trí, hệ thống biệt thự hướng ra hồ. Nhiều địa điểm ở đây là nơi nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế như Flamingo Đại Lải, sân gôn Đại Lải, khu du lịch sinh thái Âu Cơ, các biệt thự cao cấp quanh hồ...