Vùng nuôi bị ngọt hóa kéo dài, nhiều loại thủy sản nuôi như cá Mú, cá Hồng, hàu của người dân thôn Phú Lương bị chết hàng loạt. Người dân nơi đây đang phải chạy đua với thời gian, khơi thông cửa biển An Hải để cứu vùng nuôi.
Chiều 15/11, ghi nhận của phóng viên tại cửa biển An Hải, trời mưa rất to, sóng biển dữ dội, hàng chục hộ dân thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, dầm mưa để khơi thông cửa biển. Ngoài sử dụng sức người, các hộ dân nơi đây còn thuê hai xe múc loại nhỏ đào, múc, di chuyển khối lượng cát lớn bồi lấp khu vực cửa biển An Hải. Người dân đã khơi thông được lạch rộng 5m, dài 40m. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, lượng cát bồi lấp cửa biển quá lớn nên việc sử dụng sức người và các xe múc nhỏ để khơi thông cửa biển gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đinh Ninh Thụy, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, cho biết gia đình ông nuôi hơn 4 tấn cá Mú. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cá chưa xuất bán được. Mưa lớn kéo dài khiến nước ngọt liên tục đổ về vùng nuôi, cá Mú bị sốc nước ngọt chết hơn một nửa, gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Các năm trước, cửa biển An Hải bị bồi lấp đều được chính quyền địa phương khơi thông trước mùa mưa. Từ tháng 4 đến nay, cửa biển An Hòa Hải bị bồi lấp nặng nhưng không được khơi thông. Chúng tôi đã có đơn kiến nghị và nhiều lần trực tiếp đến UBND hai xã An Hòa Hải và An Ninh Đông kiến nghị chính quyền địa phương sớm khơi thông cửa biển cứu vùng nuôi thủy sản. Thế nhưng, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời từ chính quyền địa phương là chờ nước lũ lớn hơn nữa mới khơi thông cửa biển", ông Thụy chia sẻ.
Ông Nguyễn Phiết, thôn Phú Lương, lo lắng nước ngọt liên tục đổ về, hàng trăm tấn cá lồng nuôi của các hộ bị sốc chết. Đây là lần thứ hai trong tháng, cá nuôi bị chết do sốc nước ngọt. Gia đình ông và các hộ dân trong thôn đã bỏ ra 50 triệu đồng khơi thông cửa biển, nhưng sức của nông dân làm không xuể. Nếu cửa biển An Hải không được sớm khơi thông, nước ngọt tiếp tục đổ về vùng nuôi thôn Phú Lương, cá nuôi bị sốc nước ngọt lâu ngày sẽ chết hết, nhiều hộ sẽ trắng tay. Các hộ mong rằng chính quyền khẩn trương hỗ trợ người dân khơi thông cửa biển An Hải.
Vùng nuôi thôn Phú Lương có 135 hộ nuôi thủy sản. Các năm trước, sản lượng cá nuôi đạt trọng lượng thương phẩm được người dân xuất bán trước mùa mưa bão. Năm nay, do dịch COVID-19 kéo dài, hầu hết các hộ dân nuôi cá lồng đều chưa xuất bán được cá thương phẩm, phải chịu lỗ.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, huyện đã nắm được thông tin người dân sử dụng phương tiện khơi thông cửa biển An Hải thoát nước ngọt để không ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng thủy sản. Cửa biển An Hải hàng năm đều bị bồi lấp, huyện đã chuẩn bị kế hoạch, lực lượng, phương tiện sẵn sàng khơi thông cửa biển An Hải khi mực nước lũ về mức báo động III. Hiện nay, mực nước lũ chưa đạt mức báo động III nên sẽ không khơi thông cửa biển, vì nếu khơi thông sóng biển cũng sẽ sớm bồi lấp lại.
Cửa biển An Hải là nơi thoát lũ, trao đổi nước phục vụ nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ người dân khơi thông cửa biển cứu vùng nuôi thủy sản Phú Lương, đồng thời có phương án ngăn chặn tình trạng bồi lấp cửa biển.