Tọa đàm tập trung tổng kết 1 năm nhìn lại những nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn nóng bỏng nhất để đối phó và thích ứng với đại dịch COVID-19; đặc biệt làm rõ ý nghĩa và những kết quả đạt được của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 về những quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Không chỉ ghi nhận thành quả, các diễn giả tham gia tọa đàm cũng đóng góp những quan điểm nhìn nhận về cách thức triển khai và tổ chức lại nền kinh tế trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, giai đoạn phục hồi để phát triển; đồng thời, đề xuất những hướng đi, giải pháp mới phù hợp hơn giúp các doanh nghiệp thích ứng hiệu quả trong tình hình mới....
Mở đầu cuộc tọa đàm, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI ghi nhận, trong giai đoạn chống dịch, Chính phủ đã có một "cuộc giải vây đặc biệt" hỗ trợ kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trụ đỡ trước những tác động tiêu cực, ào ạt của bão dịch. Sự phản ứng nhanh nhạy với tinh thần đồng hành chia sẻ của Chính phủ đã phần nào ngăn đà đứt gãy chuỗi cung ứng và cùng với nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp nên thực trạng đổ vỡ hầu như là không lớn.
Đầu tiên phải kể đến là quyết sách phủ rộng vaccine tới cộng đồng, theo đó, cả Chính phủ và từng doanh nghiệp đã quyết liệt và nhanh nhất có thể để tiêm phòng sớm cho toàn bộ công nhân lao động. Tiếp đến là quyết tâm duy trì hoạt động theo các ca làm việc để giữ nhịp sản xuất, giúp các doanh nghiệp hạn chế tối đa nguy cơ tổn thất về đơn hàng.
Cùng với những nỗ lực bằng hành động, không thể không đề cao tinh thần cầu thị, lắng nghe phản ánh và tích cực gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp... thể hiện sự song hành của Chính phủ đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh. Cũng nhờ những quyết sách ấy và sự quyết liệt của Chính phủ đã giúp bảo toàn năng lực cho doanh nghiệp tránh sự đổ vỡ quá nhiều trong đại dịch. Hơn thế nữa còn hỗ trợ người lao động, hỗ trợ đào tạo lại cho lao động trong doanh nghiệp. Các chính sách thuế, giảm thuế; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, chớp lấy cơ hội khi chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gãy để có khoảng trống cho các doanh nghiệp Việt Nam kịp thời lấp đầy và giành vị trí quan trọng trong sản xuất, xuất khẩu. Qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế như kết quả đã đạt được trong quý III/2022 vừa qua.
Đồng tình quan điểm, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Chính phủ đã tham vấn trực tiếp mọi nguồn thông tin và cả doanh nghiệp để tìm những giải pháp giữ mạch sản xuất; qua đó, bám sát mọi nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chính sách.
Phải ghi nhận, trong giai đoạn chống dịch, các doanh nghiệp đã tuân thủ chính sách một cách kỷ luật; bảo đảm đội hình, đội ngũ và bộ máy hoạt động ổn định. Không ai khác, chính các doanh nghiệp đã tự cứu mình song song với nỗ lực và cả sự hy sinh, đóng góp cùng cả nước chống dịch COVID-19 - Chuyên gia Trần Đình Thiên nêu rõ.
Chính sự phục hồi như hiện nay và sự thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp trong giai đoạn chống dịch vừa qua đã và đang tạo đà cho nền kinh tế phát triển; tạo ra ra thế đúng mới và sung lực mới cho toàn nền kinh tế có thêm những đột phá trong năm nay. Đó là điều chắc chắn, ông Thiên nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chia sẻ, hơn ai hết, các doanh nghiệp nhìn thấy được, chứng kiến và ghi nhận được sự vào cuộc quyết liệu của Chính phủ. Nhiều quyết sách đã ban hành, nhiều giải pháp đã được khởi xướng để giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn cả ở phía ngoài và phía trong nội hàm của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước đồng hành, hỗ trợ rất cụ thể như, chính sách thuế, phí, lãi suất vay ngân hàng... rồi tới đây còn là chương trình hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động.
Về phía ngân hàng, các ngân hàng chứ không riêng Sacombank luôn xác định đồng hàng cùng khách hàng dựa trên sự khó khăn của nền kinh tế, cân đối giữa lợi nhuận, hy sinh một phần lợi nhuận, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khó khăn do dịch.
Trong giai đoạn dịch, ngân hàng là những đơn vị đầu ngành. Sacombank đã phải cơ cấu để hạn chế và xử lý nợ xấu; đồng thời, trích lập dự phòng, xây dựng các gói lãi suất cho vay ưu đãi hay như đưa ra những chính sách miễn giảm phí....thể hiện và hướng ứng tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ kêu gọi. Năm 2021, Sacombank đã hy sinh gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch.
Bà Thạch Diễm cho biết những định hướng xuyên suốt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được các ngân hàng ủng hộ và hưởng ứng. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực trạng là giữa những định hướng, quyết sách, nghị định của Nhà nước để đi vào thực tế cuộc sống vẫn còn có một khoảng cách.
Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ lấy gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ nhưng doanh nghiệp họ rất ngại tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm, rồi sau nhiều năm có khi lại sai phạm. Chính vì thế các cấp, ngành cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn trong việc xây dựng và tham vấn chính sách như các nghị định, nghị quyết... với thực tế cuộc sống.
Chia sẻ về thực tiễn của doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ (CMC) cho hay, CMC may mắn đã có những quyết định trước, chuẩn bị trước các tình huống cho khối các dịch vụ. Tập đoàn đã có kế hoạch theo các cấp độ 1 đến cấp độ 4 và nếu khi bị "locked down" hoàn toàn thì sẽ có phương án sản xuất như thế nào... Tất cả những chương trình đấy, CMC đã lên kế hoạch trước, có quy trình đi theo để làm sao trong tất cả các phương án, các hoạt động của tập đoàn vẫn liên tục và xuyên suốt.
Một trong những điểm CMC đang phải chịu trách nhiệm là không chỉ sản xuất kinh doanh mà còn phải bảo toàn hệ thống công nghệ thông tin quốc gia. Tất cả các doanh nghiệp, các ngân hàng là khách hàng của CMC đều phải được duy trì hệ thống hoạt động. Trong thời điểm mọi người làm việc ở nhà thì CMC có 1/3 cán bộ vẫn phải có giấy phép ra đường, vẫn phải đến các trung tâm dữ liệu để đảm bảo các hệ thống viễn thông cũng như công nghệ thông tin. Bất cứ yêu cầu liên quan đến các hệ thống trục trặc hay công nghệ thông tin của bộ, ngành, Chính phủ hay của ngân hàng, CMC chắc chắn phải cử cán bộ đi xử lý các tình huống để đảm bảo an toàn hệ thống được thông suốt.
Trong những yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn công nghệ tại Việt Nam phải sẵn sàng hỗ trợ, CMC đã xuất hiện và đóng góp tích cực trong các phong trào và nhiệm vụ về phòng chống dịch để ngăn chặn nguy cơ đứt gãy sản xuất toàn cầu. Để có thành công và những kết quả lạc quan như ngày hôm nay, chính là nhờ sự đồng hành, tận tâm, chia sẻ của Chính phủ và doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng chia sẻ.