'Phí chồng phí' – Nỗi lo của doanh nghiệp vận tải

Từ ngày 1/6, phí Quỹ bảo trì đường bộ (QBTĐB) sẽ bắt đầu có hiệu lực. Như vậy, chỉ tính riêng đối với ôtô, người sở hữu sẽ phải chịu tới 3 mức thuế cùng 7 loại phí. Đáng lo ngại, những con số đó chưa có dấu hiệu dừng lại, dự kiến  tổng chi phí ban đầu  sẽ tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay. Trước tình hình trên, chiều ngày 29/5 các doanh nghiệp (DN) vận tải TP.Hồ Chí Minh đã kiến lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để tháo gỡ những khó khăn này.
 

Gánh nặng “phí chồng phí”


Ông Đinh Nam Dinh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM cho biết, mặc dù phí QBTĐB sẽ giảm bớt gánh nặng cho Bộ GTVT, thế nhưng với các DN vận tải hàng hoá, đó lại là gánh nặng lớn không thể giải quyết được.


Theo ông Dinh phân tích, đối với nhóm xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, khoản 1 điều 5 Nghị định số 18/2012/NĐ-CP quy định “Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (gọi chung là xe ô tô)” là quá phi lý. Bởi phí này vừa đánh trên cả phương tiện là “máy kéo”, vừa đánh trên “rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo”. Trong khi đó, bản thân sơ mi rơ moóc là thiết bị cơ khí đơn giản, không gắn động cơ, không thể tự vận hành được. Chỉ khi nào gắn với đầu kéo, hợp thành tổ hợp xe thì mới lưu thông để vận tải hàng hoá trên đường bộ. Như vậy, mỗi chiếc đầu kéo một lần lưu thông trên đường cũng chỉ kéo theo được một rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc mà thôi. Vì thế, không thể tách 2 thiết bị này để đánh phí.


Gánh nặng "phí chồng phí" còn đội giá thành hàng hoá trong thời điểm khó khăn hiện nay (Ảnh: M.Thuyết)


Ông Hà Văn Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Sơn Hà (Bình Dương) cũng bức xúc, cho biết tại nhà kho của Công ty có khoảng 50/100 rơ moóc và sơ mi rơ moóc đã ngưng hoạt động nhiều tháng nay, đến mức cỏ mọc phủ lên lên những chiếc xe này. Thế nhưng, công ty vẫn phải nộp phí đường bộ ( từ 7,08 – 12,4 triệu đồng/chiếc/năm). Như vậy, trung bình mỗi tháng công ty phải nộp phí cho khoảng 50 xe không hoạt động lên đến hơn 30 triệu đồng. Nếu tách riêng thiết bị như Nghị định quy định, thì phí phải đóng tăng lên gấp đôi.


Không chỉ khó khăn về “phí chồng phí”, nhiều DN vận tải còn lo ngại khi tới đây sẽ có 21 trạm thu phí BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) mới trên tuyến đường Bắc – Nam sẽ đi vào hoạt động. Đây là những trạm thu phí giao thông được đầu tư, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 vừa mới được khởi công xây dựng.


Đại diện Công ty TNHH Vận tải Minh Ly cho biết, việc hình thành 21 trạm thu phí mới không chỉ là áp lực cho DN vận tải và là hậu quả của giá cả hàng hoá tăng. Bởi bên cạnh việc hình thành chi chít các trạm thu phí BOT, tới đây phí giao thông còn tăng 2 – 3,5 lần so với quy định.


Ngoài ra, việc xử phạt quá tải của Bộ GTVT cũng là một vấn đề nan giải không chỉ riêng của Bộ mà của cả DN. Nhiều DN vận tải thừa nhận tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho xã hội nói chung mà còn cả cho DN vận tải. Tuy nhiên, pháp luật quy định về tải trọng xe chưa mang tính đồng nhất, mỗi cơ quan ban hành một tiêu chuẩn chồng chéo nhau, gây khó khăn cho DN.


Cần có chế tài và hình thức nộp phí hợp lý


Trước tình hình trên, Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT cần sửa đổi quy định tại khoản 1 điều 5 Nghị định số 18/2012/NĐ-CP theo hướng bỏ thu phí đối với sơ mi rơ moóc, đồng thời kiến nghị thay đổi cách thu phí theo kỳ đăng kiểm sang thu phí hàng tháng đối với mỗi phương tiện. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GTVT phải có biện pháp cho phép DN không phải đóng phí trong thời gian đăng ký phương tiện tạm dừng hoạt động. Song song đó, hướng dẫn cụ thể thủ tục các trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ đóng phí.


Theo ông Đinh Nam Dinh, việc quy định thu phí theo kỳ đăng kiểm của phương tiện thực tế là một khó khăn và gánh nặng cho các DN vận tải. Cụ thể là DN phải đi vay và trả lãi hai lần cho phương tiện hoạt động (vay để đầu tư phương tiện và vay để nộp phí bảo trì đường bộ). Chưa kể, do điều kiện kinh tế khó khăn, lượng hàng hoá giảm sút nên các DN vận tải muốn sắp xếp lại năng lực vận tải bằng cắt tạm ngưng hoạt động một số phương tiện vận tải để giảm chi phí. Đặc biệt, là để chưa phải nộp phí bảo trì đường bộ được áp dụng kể từ 1/6 sắp tới.


Tuy nhiên, nhiều DN vận tải phản ánh do Bộ GTVT chưa có hướng dẫn cụ thể các thủ tục trong các trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ đóng phí đối với: xe ô tô vận tải chạy nội bộ trong Cảng, xe vận tải không có hàng để chạy; xe tạm dừng để duy tu bảo dưỡng, xe bị tai nạn phải sửa chữa dưới 30 ngày… nên nhiều DN vẫn phải đóng phí do không chứng minh được. Vì thế, DN vận tải TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ cần giải thích rõ đơn vị nào có thẩm quyền xác nhận những trường hợp nói trên, để DN có cơ sở pháp lý để nộp phí hoặc miễn trừ nghĩa vụ đóng phí cho phù hợp với thực tế.


Về tình trạng “phí chồng phí” tại các trạm thu phí BOT, Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính Phủ giảm mức thu trên giá vé đối với từng loại xe tương ứng với khoản tiền bảo trì hàng năm mà nhà đầu tư bỏ ra để bảo trì công trình. Quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được QBTĐB hoàn trả lại với mức tương ứng hàng năm để bảo đảm quyền lợi cho họ.


Ông Khuất Việt Hùng – Quyền vụ trưởng Vụ Vận tải thừa nhận, hiện Bộ GTVT đang thiếu hướng dẫn cho các DN hoặc chưa quan tâm các DN về vấn đề này, dẫn đến làm khó cho các DN. Theo đó, Bộ GTVT sẽ đề nghị Bộ Tài Chính cho thực hiện nhiều hình thức nộp thay vì hiện nay chỉ có một hình thức thu phí theo chu kỳ đăng kiểm. Bộ GTVT cũng đang dự thảo thông tư mới về hoạt động vận tải hàng hoá, trong đó sẽ quy định chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ quyền phải chịu trách nhiệm nếu để xe quá trọng tải cho phép lưu thông trên đường.


Ông Đinh Nam Dinh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM cho biết: Để hỗ trợ các DN hội viên trong một số trường hợp phương tiện vận tải bị tạm giữ hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Hiệp hội đã xây dựng “Đề án thành lập quỹ bão lãnh phương tiện” với mức dự kiến 1,5 -2 tỷ đồng. Đây là cơ sở “ký quỹ bảo lãnh” nhằm hỗ trợ DN sớm giải phóng phương tiện một cách nhanh nhất khi bị giam giữ trong trường hợp chưa xác định được lỗi vi phạm về hành vi hành chính.




Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN