Thời gian qua, lượng cà phê tiêu thụ trên thị trường nội địa tăng và đã chiếm trên 10% sản lượng cà phê cả nước. Tiêu thụ nội địa tăng do thị trường trong nước có sự xuất hiện của nhiều thương hiệu cà phê Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành cà phê. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đang triển khai chương trình “Đẩy mạnh tiêu dùng cà phê nội địa của Việt Nam” nhằm tăng tỷ lệ tiêu dùng cà phê nội địa, nhất là cà phê rang xay và cà phê hòa tan.
"Với các hoạt động của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và sự phát triển của các chuỗi cửa hàng cà phê, khả năng đến cuối năm 2023, Việt Nam nâng mức tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa lên 3 kg/người/năm", ông Dương thông tin.
Đắk Lắk có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước với hơn 210.000 ha cà phê, sản lượng đạt trên 550.000 tấn/năm. Xuất khẩu cà phê của tỉnh năm 2022 đạt 380.000 tấn. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có trên 250 cơ sở chế biến cà phê; trong đó có 235 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 15 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Như vậy, tỉnh Đắk Lắk có ít nhất 250 nhãn hiệu cà phê chế biến cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xác định thị trường trong nước là động lực chủ yếu để phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh, giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, thời gian tới, Đắk Lắk khuyến khích doanh nghiệp cà phê nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc gia.
Tỉnh khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê đầu tư vào chất lượng, bao bì nhãn mác hàng hóa; nghiên cứu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê và sản phẩm liên quan đến cà phê; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển mạng lưới bán hàng. Các cơ sở, doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu, phát triển thương hiệu, quản lý thương hiệu chặt chẽ, đảm bảo uy tín, tiếp cận với giải thưởng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia…
Ông Huỳnh Ngọc Dương nhấn mạnh, trong xu hướng hội nhập quốc tế như hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu, rộng, toàn diện hơn. Như vậy, Việt Nam đã mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài vào và các doanh nghiệp cà phê đối diện với áp lực cạnh tranh rất lớn.
Người tiêu dùng nội địa sẽ chọn những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, có chất lượng để tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê chân chính buộc phải quan tâm đến vấn đề chất lượng, tăng cường bảo vệ thương hiệu để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, năm 2022, đơn vị xuất khẩu gần 101.000 tấn cà phê nhân, tiêu thụ nội địa khoảng 25.000 tấn. Simexco Đắk Lắk đang rất quan tâm đến thị trường tiêu thụ cà phê nội địa.
“Việt Nam cần xây dựng chương trình ngắn hạn, dài hạn để đẩy mạnh tiêu thụ cà phê nội địa. Giải pháp là tăng tỷ lệ tiêu thụ cà phê của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ, sử dụng cà phê hàng ngày như nước uống thường xuyên; thu hút đầu tư các nhà máy rang, xay, hòa tan cà phê; đa dạng sản phẩm từ cà phê; tăng tỷ lệ sử dụng cà phê nhân tại thị trường Việt Nam để chế biến sâu. Khi tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ tăng giá trị cà phê Việt”, ông Lê Đức Huy nhấn mạnh.