Theo đó, nông nghiệp của Hà Nội phải khác với các địa phương khác, nên cần định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch, sinh thái… Đối với vấn đề quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn, cần xác định phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp là nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, không phải trồng rừng để lấy gỗ.
Bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội còn phải chịu áp lực mở rộng đô thị vô cùng lớn. Vấn đề đặt ra cho Hà Nội là phát triển kinh tế nông thôn như thế nào? Trong bối cảnh hội nhập thế giới, Hà Nội vừa phải gìn giữ bản sắc dân tộc vừa phát triển hiện đại, nhất là đối với thế hệ trẻ họ tiếp cận rất nhanh với văn hóa bên ngoài. Trong thời gian tới, triển khai Luật Thủ đô sửa đổi là cơ hội để Hà Nội sắp xếp lại, điều chỉnh lại toàn bộ những vấn đề này; đặc biệt là công tác quy hoạch.
Để làm rõ những vấn đề nêu trên TTXVN trân trọng giới thiệu chùm 4 bài về "Phát triển nông nghiệp Hà Nội - nền tảng phát triển du lịch và dịch vụ".
Bài 1: Tiềm năng và kỳ vọng
Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao; trong đó, lợi thế lớn nhất là thị trường lớn gần 10 triệu dân và trên địa bàn có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, doanh nghiệp có tiềm lực. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có tiềm năng du lịch rất lớn và chính quyền các cấp trong thời gian gần đây đã rất quan tâm, chú trọng phát triển các loại hình du lịch. Đặc biệt, du lịch làng nghề được gắn kết trong du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Đây chính là điều kiện để chuyển hướng sang kinh tế nông thôn, Hà Nội hoàn toàn có khả năng sẽ đi trước cả nước.
Tiềm năng nhiều...
Hà Nội được gọi là Thăng Long - Kẻ Chợ ở sát sông Hồng, nơi tạo nên tính hội tụ và tính trung tâm của văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, cuốn hút các vùng văn hóa khác. Hà Nội được giới nghiên cứu tổng kết là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị truyền thống, giá trị thời đại.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có lợi thế về giao thương thuận lợi lại có điều kiện tự nhiên phong phú với 150 nghìn ha đất đồi gò; 125 nghìn ha đất bãi phù sa; 35 nghìn ha đất đồng bằng và còn lại là đất trũng. Trên địa bàn Hà Nội rất nhiều các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo. Đó chính là tiềm năng để Hà Nội phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển du lịch và dịch vụ.
Vùng đất "trăm nghề" Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng số làng nghề chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm.
"Biến thổ thành kim" của những sản phẩm tiềm năng 5 sao của thành phố Hà Nội gồm: sản phẩm bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh - xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của hợp tác xã 1sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh - xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm...
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp đóng góp 2% GDP của thành phố, có 17 huyện và 1 thị xã có phát triển nông nghiệp. Do đó, quy hoạch ngành nông nghiệp trong thời gian tới vô cùng quan trọng, đánh giá toàn bộ hiện trạng của nông nghiệp, từ đó để xác định nuôi con gì, trồng cây gì, từng vùng phù hợp với loại cây trồng vật nuôi là gì? Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, sinh thái trải nghiệm; đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao…
Theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn không chỉ là nông nghiệp mà còn cả dịch vụ cho nông nghiệp, nông nghiệp dịch vụ cho các lĩnh vực khác nữa; trong đó, có những lĩnh vực mà trực tiếp nhất để tận dụng lao động nông thôn nhàn rỗi và hướng nông nghiệp, quá trình sản xuất của người nông dân, của cư dân nông thôn với thị trường, chuyển sang kinh tế nông thôn.
Chuyển sang kinh tế nông thôn, Hà Nội có nhiều thuận lợi, dân trí cao, điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn. Vì vậy, Hà Nội phải khai thác tối đa các lợi thế đó, hỗ trợ người dân nông thôn quảng bá thương hiệu, xây dựng được chuẩn mực cho sản phẩm. Đến Hà Nội là người ta sẽ mua được sản phẩm địa phương - đó chính là cách để tận dụng lao động nhàn rỗi (phát triển làng nghề). Ngoài ra, Hà Nội có thể tạo ra các sản phẩm mới du nhập từ địa phương khác, ví dụ, đến Thanh Hóa lại có khu du lịch được xây dựng giống như đi Hội An. Nếu Hà Nội làm như vậy sẽ có điều kiện tốt hơn, đặc biệt là gắn được du lịch tâm linh với du lịch sinh thái nông thôn.
"Hiện nay, du lịch sinh thái nông thôn là nhu cầu rất lớn, không chỉ dành cho những người khá giả, mà ngay cả người có thu nhập thấp ở đô thị cũng có nhu cầu trải nghiệm, nhất là lớp trẻ. Đây chính là điều kiện để chuyển hướng sang kinh tế nông thôn, Hà Nội hoàn toàn có khả năng sẽ đi trước cả nước", ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.
Thách thức không ít
Tiềm năng là có nhiều, cơ hội cũng không ít. Tuy nhiên, để Hà Nội có thể biến những lợi thế đó thành sản xuất trong thực tế thì cũng còn không ít thách thức, khó khăn. Trên địa bàn Hà Nội rất nhiều các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo. Nhưng vận dụng trí tuệ đó như thế nào để phục vụ cho cư dân nông thôn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của Hà Nội thực sự là rất ít.
Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh là vấn đề mà Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần quan tâm, đẩy mạnh.
"Hiện nay, nông nghiệp đô thị thông minh vẫn đang thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn chưa được tập trung, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ; khả năng cung cấp ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp thông minh ở trong nước còn hạn chế, nếu có cũng chỉ là những thử nghiệm trên quy mô nhỏ với thời gian ngắn", Tiến sĩ Đào Thế Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Bởi vì vốn đầu tư cao lợi nhuận thấp, thu hồi vốn lâu, chưa kể đầu tư vào lĩnh vực này lắm rủi ro. Bên cạnh đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công nghệ tự động hoá phù hợp với quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc, làm thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Thêm vào đó là mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ mới của thế giới nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Trên thực tế, trong rất nhiều năm qua, quy hoạch nông nghiệp vẫn là vấn đề khiến ngành nông nghiệp Hà Nội trăn trở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã xây dựng nhiều đề án quy hoạch phát triển cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xem xét tích hợp vào các quy hoạch chung phát triển Thủ đô. Điều này có thể sẽ thay đổi khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sắp tới được ban hành.
"Chúng tôi kỳ vọng khi Nghị quyết mới về phát triển nông nghiệp được ban hành, vị trí của lĩnh vực nông nghiệp được định hướng rõ nét trong các bản quy hoạch chung phát triển Thủ đô thì ngành nông nghiệp sẽ có điều kiện cần thiết để phát triển. Từ đó dần tạo dựng được một "bản sắc riêng", khác biệt với các địa phương trên cả nước…", ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nông nghiệp Thủ đô cần phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và tài chính xây dựng các mô hình theo hướng liên kết, nâng cao giá trị.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn, xác định phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp là nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, mở ra một hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn.
Bài 2: Mở ra hướng đi mới