Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Nghị định 52/2018/NĐ-CP đã tập trung vào xác định tiêu chí các làng nghề cùng với đó là các chính sách hỗ trợ để phát triển. Việc phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề góp phần quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là nơi mà sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
"Thời gian qua mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các ngành nghề vẫn tăng trưởng 20%. Qua đây cho thấy các ngành nghề cần tiếp tục phát triển để góp phần thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Để phát triển ngành nghề nông thôn thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các các bộ ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ các cơ chế chính sách để làm sao phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa. Nhiều ngành nghề phát triển tốt như gốm, thêu, mây tre đan… nhưng còn vướng thị trường tiêu thụ cho nên cần hỗ trợ theo chuỗi để vừa hỗ trợ được vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, công nghệ cải thiến máy móc vừa xúc tiến thương mại.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, quan trọng nhất của các ngành nghề nông thôn là xây dựng được các sản phẩm có ý tưởng sáng tạo. Do đó, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội, ngành hàng nông thôn; xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn ở những nơi có lợi thế để nơi đây có thể tập hợp nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.
Đến năm 2020, tổng số các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn là trên 817.000 cơ sở; trong đó có 9.459 doanh nghiệp, 3.382 hợp tác xã, 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình, tăng 119.000 cơ sở so với năm 2017 thời điểm trước khi có Nghị định số 52/2018/NĐ-CP. Hình thức tổ chức sản xuất đã có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất nên số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tăng mạnh.
Tổng số lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn trên 2,3 triệu lao động, tăng 300.000 lao động so với năm 2017 (tăng 15%); trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25%. Thu nhập bình quân của lao động đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017; trong đó các nhóm ngành nghề sản xuất đồ gốm sứ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc có giá trị cao nhất.
Các sản phẩm từ ngành nghề nông thôn cũng có sự tăng trưởng xuất khẩu khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017; trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: gốm sứ, mây tre cói thảm, thêu, dệt thủ công…
Trong bối cảnh của dịch COVID-19 nhưng nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn vẫn có kim ngạch xuất khẩu tăng như mây tre cói thảm, thêu, dệt thủ công… Hiện hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng sự phát triển của ngành nghề, làng nghề thời gian qua còn có nhiều hạn chế. Đó là: sự phân bổ của khu vực ngành nghề nông thôn, làng nghề không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương; hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình quy mô nhỏ, tập trung ở khu vực dân cư có mặt bằng chật hẹp không có khả năng mở rộng; cơ sở hạ tầng làng nghề còn yếu; thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu và sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Trước xu hướng hội nhập cao nhưng các làng nghề vẫn thiếu đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, kỹ năng nghề cao và sự am hiểu về xu hướng thị trường còn yếu.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng ngành nghề nông thôn, làng nghề hiện nay để hoàn thiện xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các địa phương cần rà soát đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ổn định để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ngành nghề, làng nghề. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện mặt bằng đất đai để xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sáng tạo các ngành nghề thủ công chủ lực của Việt Nam theo hướng xã hội hóa; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, thiết kế và phát triển các sản phẩm mới.
Các sản phẩm cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại - du lịch của các địa phương và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển du lịch làng nghề…
Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các địa phương đã rà soát và công nhận được 25 nghề truyền thống, 94 làng nghề và làng nghề truyền thống, 137 nghệ nhân và 140 thợ giỏi và thu hồi giấy chứng nhận của 106 làng nghề do không đáp ứng được tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.