Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay được đánh giá đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng năm, các sản phẩm nông nghiệp đã mang kim ngạch khá lớn, có vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không phát triển toàn diện hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ, thì toàn ngành sẽ phải chững lại để giải quyết "nút thắt cổ chai", đó là hệ thống vận chuyển, logistics nông nghiệp đặc thù.
Bài 1: Chặng đường quan trọng lưu thông hàng hoá
Logistics đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây là điểm mấu chốt quyết định giá trị nông sản và hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp. Đặc biệt hơn nữa, logistics nông nghiệp lại là một hệ thống vận chuyển mang tính quyết định và cần nhiều ứng dụng kỹ thuật để vận hành. Chính vì vậy, đây là khâu không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Cần hệ thống logistics chuyên biệt
Lưu thông hàng hóa là nhu cầu thiết yếu hiện nay để phát triển sản xuất ổn định. Tuy nhiên, với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dòng sản phẩm chế biến còn chiếm tỷ lệ thấp, ngành hàng lại đa dạng nên cũng cần một hệ thống logistics đa dạng cho nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, là một trong những sản phẩm có nhu cầu xuất khẩu tươi, ngành hàng rau quả hiện còn gặp nhiều trở ngại trong vấn đề xuất khẩu, nhất là đi đến các thị trường khó tính, khoảng cách địa lý xa. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở phục vụ cho mặt hàng này còn yếu, tổn thất sau thu hoạch cao (30 - 35%) dẫn đến thiệt hại về kinh tế, công nghệ bảo quản còn lạc hậu càng làm cho hàng hóa của chúng ta giảm giá trị và khó cạnh tranh trên thương trường.
Sản phẩm rau, củ, trái cây Việt Nam vốn được người tiêu dùng khắp thế giới ưa chuộng, đặc biệt là các dòng sản phẩm tươi, đông lạnh dạng tươi. Thế nhưng, logistics và các khâu bảo quản lại là một bài toán nan giải cho cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp xuất khẩu. Theo những phản ánh từ doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, có nhiều loại trái cây rất khó vận chuyển đi xa tới thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, mặc dù các thị trường này ưa chuộng. Cho dù sản phẩm có lợi thế cạnh tranh so với những loại trái cây khác, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể làm vì khâu logistics chưa đảm bảo.
"Chẳng hạn với trái thanh long, muốn đến thị trường Mỹ, phải đảm bảo thời hạn bảo quản 35 ngày, bao gồm cả thời gian lên kệ. Thế nhưng qua khâu chiếu xạ, chất lượng cao nhất của trái thanh long chỉ còn 27 ngày, bao gồm thời gian lên kệ. Vì vậy trái thanh long Việt Nam chỉ mới có thể đến bang California, chưa thể lên kệ tại New York của Mỹ. Còn với trái vú sữa, sau khi chiếu xạ, chất lượng cao nhất chỉ còn 10 ngày, bao gồm thời gian lên kệ. Vì vậy, trái vú sữa muốn đến thị trường Mỹ chỉ có thể đi bằng đường hàng không, chi phí quá cao để có thể xuất khẩu lâu dài", ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group chia sẻ.
Đối với nhiều loại trái cây Việt Nam, dù thời gian bảo quản dài như trái bưởi, dừa tươi, nhưng doanh nghiệp vẫn lựa chọn xuất khẩu đến những thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở xuất khẩu bưởi đã xanh Hương Miền Tây cho biết, bất kì thị trường nào cũng có tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, Hương Miền Tây chọn các thị trường gần để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi ngon nhất có thể. Trong điều kiện thiếu kho lạnh hay container lạnh, thì các đơn hàng của Hương Miền Tây vẫn được giao đúng hạn, nông dân thu hoạch đúng thời gian và có thu nhập, xoay vòng sản xuất.
Chính vì vậy, có nhiều ngành hàng nông nghiệp hiện nay rất cần một hệ thống logistics phù hợp cho nhiều loại nông sản, để đảm bảo chất lượng cao khi cung ứng ra thị trường thế giới.
Yêu cầu công nghệ và kho chứa phù hợp
Với xu thế hiện nay, phát triển logictics phục vụ cho các mặt hàng nông sản cần có sự chuyên sâu trong từng khâu. Với đặc thù là sản phẩm tươi, cần giữ chất lượng như vừa thu hoạch là điều các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn. Bởi sự cạnh tranh hiện nay không chỉ về giá mà còn về chất lượng, các chi phí khác. Nếu làm đồng bộ thì mới có thể đảm bảo chất lượng tốt nhất như doanh nghiệp mong muốn.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ, Tiền Giang vốn đã xuất khẩu các sản phẩm trái cây ra nhiều thị trường thế giới, nhưng nếu chi phí vận chuyển quá lớn mà lại chưa có công nghệ bảo quản, kho chứa sản phẩm đảm bảo chất lượng thì đây là một điều đáng tiếc, tỷ lệ hao hụt cao từ khâu bảo quản chưa tốt sẽ gây thất thoát một nguồn thu nhập đáng kể.
Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong ứng dụng công nghệ trong logistics cũng góp phần bảo quản nông sản sau thu hoạch theo yêu cầu của thị trường.
Bà Nguyễn Nam Phương Thảo, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hoàng Phát cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đang rất cần những kho chứa công nghệ cao để giữ sản phẩm tươi cho đến khi ra cảng. Nắm bắt được yêu cầu này, Tập đoàn Hoàng Phát đã đầu tư công nghệ cho các kho lạnh, cũng như liên kết với các doanh nghiệp logistics có số lượng container lạnh đáp ứng nhu cầu xuất khẩu rau quả tươi sống của các doanh nghiệp. Nếu không đầu tư công nghệ cao cho các kho lạnh, container lạnh này thì thời gian bảo quản rút ngắn lại, tỷ lệ hao hụt của doanh nghiệp tăng lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu liên kết với doanh nghiệp logistics có hệ thống kho lạnh đảm bảo, thời gian bảo quản được giữ ổn định và giảm tỷ lệ hao hụt sản phẩm từ 8% đến 10% xuống còn 5%.
Là một doanh nghiệp tiếp cận thị trường Việt Nam trong suốt 11 năm, ông Paul Lê, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam nhấn mạnh, nói đến logictics không chỉ nói đến giá vận chuyển hay giá bán, mà còn chú trọng các khâu làm kho lạnh. Chẳng hạn như Central Retail đang đầu tư rất nhiều kho lạnh với các cấp nhiệt độ khác nhau như kho 2 độ C đến 4 độ C, kho 4 độ C đến 6 độ C. Với những kho phân cấp nhiệt độ này sẽ giúp cho rau củ quả tươi nhất khi bày lên kệ. Mấu chốt phát triển khâu logictics chính là làm sao để khách hàng mua hàng nhiều nhất và sẽ lựa chọn sản phẩm trong những lần sau chứ không nên nhắm vào mức giá và vận chuyển. Có thể thấy trong 30 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã đạt chất lượng tốt, khâu còn lại là xây dựng hệ thống logistics phù hợp sẽ tạo điều kiện cho nông sản được tiêu thụ tốt hơn.
Bài cuối: Giúp doanh nghiệp gỡ khó xuất khẩu