Phát triển hệ thống cảng biển: Cần một tầm nhìn dài hạn

Nghị quyết số 09/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược biển đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước, trong đó kinh tế dầu khí đứng thứ nhất, tiếp theo là kinh tế hàng hải và phấn đấu sau 20 năm, kinh tế hàng hải sẽ vươn lên vị trí thứ nhất.

 

Khu vực bến và kênh tàu dịch vụ cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ảnh: Hà Thái - TTXVN

 

Với mục tiêu này, việc quy hoạch, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại, quản lý đồng bộ, hiệu quả cũng như phát triển hệ thống dịch vụ logistics có vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

 

Kết quả chưa như kỳ vọng


Đánh giá về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý cảng biển cũng như phát triển dịch vụ logistics hiện nay, ông Đỗ Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập trong việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển. Trong đó, do việc đầu tư khai thác nhóm cảng biển phía Bắc chưa đạt yêu cầu, cụm cảng biển ở Hải Phòng đang đối mặt tình trạng quá tải. Ngược lại, các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải mới được đầu tư xây dựng đang gặp khó khăn để tìm nguồn hàng. Tại khu vực miền Trung, ngoài cảng Quy Nhơn, hầu hết các cảng còn lại từ nhiều năm nay đang khai thác dưới công suất. Thêm vào đó, tại một số cảng còn thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn.


Mạng kỹ thuật hạ tầng sau cảng (bao gồm điện, nước, đường giao thông sắt, bộ nối mạng quốc gia...) hiện cũng chưa đồng bộ với quy mô, thời điểm đưa cảng vào vận hành khai thác. Theo đánh giá, hầu hết các cảng chính đều nằm sâu phía trong sông, lại gần các trung tâm dân cư đô thị nên rất khó cải tạo nâng cấp luồng và đường giao thông kết nối cảng.


Phó Cục trưởng Đỗ Hồng Thái cho biết, hiện hệ thống hạ tầng phục vụ logistics vẫn yếu kém cả về năng lực vận tải và khả năng kết nối hệ thống cũng như kết nối giữa các phương thức vận tải. Có hiện trạng trên là do sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan quản lý về quy hoạch và các địa phương nơi trực tiếp cấp đất và cấp phép đầu tư các dự án. Mặc dù việc cấp đất, cấp phép đầu tư đều tuân theo quy hoạch chuyên ngành nhưng phân mảnh, nhỏ lẻ và chưa đúng tầm nhìn quy hoạch dài hạn. Ngoài ra, cũng do các chủ đầu tư khác nhau đầu tư và tự tổ chức quản lý, khai thác cảng không đảm bảo tính tổng hợp, đồng bộ về nguồn lực, không đảm bảo tính thống nhất các hoạt động kinh tế hàng hải. Đặc biệt, có nơi, có lúc đã xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, làm suy yếu và thiệt hại lẫn nhau giữa nhà đầu tư, khai thác cảng.


Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhận xét: Với những bất cập lớn về cả phần cứng (phát triển hạ tầng) và phần mềm (xây dựng, quản lý quy hoạch và ban hành cơ chế vận hành các cảng biển trong nước) nếu không sớm khắc phục tình trạng chưa có sự quản lý, tổ chức thực hiện đồng bộ tại cảng biển, đầu tư phân mảnh, chia rẽ... thì việc mục tiêu nâng tầm kinh tế hàng hải sẽ rất khó đạt được.

 

Cần phát triển đồng bộ


Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, trước mắt Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ hệ thống cảng biển để đánh giá nhu cầu, sự cần thiết và tính khả thi đối với các dự án xây dựng chưa triển khai. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch, có thể kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án không thực hiện đúng thời hạn quy định.


Thu hút các nguồn lực cho phát triển cảng biển cũng là những vấn đề được quan tâm hiện nay. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển của các dự án trọng điểm, có tính đột phá. Các bến cảng không thuộc diện cấp bách sẽ thực hiện đầu tư theo hướng xã hội hóa. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng hải, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông với cảng biển; thu hút lượng hàng hóa đi qua các cảng thông qua việc xây dựng các trung tâm phân phối hàng hóa, các nhà máy sản xuất, lắp ráp, chế biến sau cảng... Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, để tránh tình trạng manh mún, sẽ có chế tài trong quản lý quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển. Những tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy hoạch sẽ kiên quyết dừng dự án đầu tư. Bộ GTVT sẽ giảm tối đa bổ sung quy hoạch ngắn hạn và phải tính dài hạn.


Bên cạnh đó, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cũng kiến nghị, đối với những cảng cửa ngõ trọng điểm quốc gia, cần có cơ chế chiến lược linh hoạt để phát triển nhanh hơn, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Cần tạo điều kiện chuyển dịch nhanh hàng hóa sử dụng cảng nước sâu để giảm giá thành hàng hóa xuất nhập khẩu, củng cố vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp cảng trong nước tại các cảng cửa ngõ quốc gia.


Theo đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, dịch vụ cảng cần theo chuẩn mực chung trong một môi trường pháp lý và cạnh tranh lành mạnh với các mức giá phù hợp để đảm bảo hiệu quả cho các dự án đầu tư. Ngoài ra, khi dịch vụ cảng biển được nâng lên mức quốc tế thì những dịch vụ hỗ trợ đi kèm cũng cần đảm bảo được cung ứng đầy đủ với năng suất, chất lượng, mức độ an toàn tương đương.


Quang Toàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN