Chính vì thế, những mô hình bán lẻ văn minh, hiện đại đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng đang cho thấy sự thắng thế trên đường đua đến với người tiêu dùng, nhất là tại những đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, mô hình trung tâm thương mại có lợi thế không chỉ là kênh phân phối hiện đại, mà còn cung cấp đa tiện ích và nhanh chóng chuyển mình phù hợp với xu hướng thị hiếu tiêu dùng trong những năm qua.
Mua sắm kết hợp giải trí
Theo Savills Việt Nam, mặc dù bước vào năm 2020 với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam cũng chịu tác động tiêu cực, nhưng thị trường bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận thêm nguồn cung sản phẩm bán lẻ từ những dự án gia nhập thị trường vào đầu quý 1 và trong quý 2/2020. Đồng thời, dự báo vào nửa cuối năm 2020, thị trường Tp. Hồ Chí Minh sẽ đón nhận hơn 96.000m2 diện tích bán lẻ gia nhập thị trường, trong đó khu ngoài trung tâm chiếm 84% thị phần.
Tương tự, báo cáo do một số nhà bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh công bố, hoạt động kinh doanh vào dịp cuối tuần luôn thu hút được lượt khách hàng đến với trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị tăng gấp 2 hoặc 3 lần so với ngày thường. Khách hàng cũng thay đổi xu hướng mua sắm đi theo nhóm hoặc gia đình... nên ngoài mua sắm, họ còn sử dụng đa dạng dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực...
Ghi nhận thực tế cho thấy, những mô hình thương mại như trung tâm thương mại SC VivoCity, GigaMall, AeonMall, Crescent Mall, Vincom... gần như đáp ứng mọi yêu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của khách hàng. Khi đến với những trung tâm thương mại này, khách hàng có thể mua sắm những món hàng xa xỉ cho đến việc đi chợ phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Đây cũng là điểm đến lý tưởng để gặp gỡ bạn bè, học tập, thể dục thể thao... của nhiều người dân Tp. Hồ Chí Minh.
Lý giải sức hút của những mô hình bán lẻ hiện đại, văn minh, anh Nguyễn Thành, cư ngụ tại quận Bình Thạnh chia sẻ, hiện nay người dân đi chợ theo tuần hay chuyển dần sang thói quen dự trữ thực phẩm thiết yếu đủ dùng vài ngày, chứ không còn mua sắm hàng ngày như trước. Cũng chính vì vậy, việc mua sắm của người dân theo hình thức tập trung, số lượng lớn, mất thời gian nên không thể để mỗi người phụ nữ trong gia đình gánh vác một mình mà cả gia đình cùng đi mua sắm và chia sẻ trách nhiệm.
"Mỗi tuần, gia đình thường cùng nhau vào trung tâm thương mại GigaMall Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, vợ mua sắm đồ dùng thiết yếu cho gia đình, chồng dẫn con tham gia các trò chơi dành cho thiếu nhi. Sau khi vợ mua sắm xong, cả nhà chọn lựa một địa điểm ẩm thực tại trung tâm thương mại để dùng bữa trưa, nên việc đi chợ của gia đình ngày càng trở nên nhẹ nhàng và vui hơn", anh Nguyễn Thành chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Hoàng, cư ngụ tại huyện Bình Chánh cho biết, gia đình có hai con nhỏ, mà bé lớn đang chuẩn bị vào lớp 1, nên thường sắp xếp "đi chợ" tại trung tâm thương mại AeonMall Bình Tân, quận Bình Tân và kết hợp cho bé học tiếng Anh tại đây vào ngày thứ 7, chủ nhật. Hàng tuần, cứ 9 giờ sáng là hai mẹ con lên xe buýt đến AeonMall Bình Tân, sau đó con vào lớp học, còn mẹ tranh thủ "đi chợ" mua sắm đồ dùng thiết yếu cho gia đình.
Theo chị Nguyễn Hoàng, trong bối cảnh dân số ở những đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh ngày càng tăng và nhu cầu tiêu dùng cao, việc phát triển những mô hình thương mại văn minh, hiện đại và kinh doanh đa dạng hàng hóa, dịch vụ sẽ góp phần giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, những trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... được phát triển sâu rộng vào khu dân cư, quận - huyện ngoại thành vừa góp phần làm khang trang đô thị, vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn, thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Cá nhân hóa dịch vụ
Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đang định hình lại sân chơi mới, trong đó nổi bật xu hướng như khai thác sự đặc thù của từng phân khúc thị trường, tinh giản hệ thống, tăng tính trải nghiệm đối với khách hàng... Cùng với yếu tố trải nghiệm trong quá trình mua sắm của khách hàng, thì hình thức mua sắm mới lạ, sáng tạo, thu hút cũng được nhà bán lẻ chú ý nhiều hơn, nhằm giữ chân các “thượng đế” trung thành với hệ thống của mình.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), có nhưng nguyên nhân dẫn đến việc mất khách hàng như không đáp ứng được trải nghiệm mua sắm hay sự tiện lợi. Người mua hàng thường thích trải nghiệm mới, nếu điểm bán không có gì mới thì khách hàng sẽ chuyển sang chỗ khác. Nếu chỗ khác đó đáp ứng tốt nhu cầu của họ, họ sẽ không quay lại chỗ cũ nữa. Ngoài ra, khách hàng còn có xu hướng tìm kiếm cửa hàng chuyên phục vụ đa dạng theo chiều sâu một số chủng loại sản phẩm đặc thù nào đó hơn là điểm bán mua sắm tập trung đông người.
Hầu hết khách hàng đều đi theo mô hình đa kênh (multi – channel), vừa có đại siêu thị (hypermarket), vừa có siêu thị (supermarket), siêu thị nhỏ (minimart) và cả cửa hàng tiện lợi (convenience stores – CVS). Một người tiêu dùng bình quân viếng thăm 6 – 7 kênh bán hàng/năm, nghĩa là nếu nhà bán lẻ nào đó không có nhiều mô hình, sẽ phải “chia sẻ” hoặc mất luôn khách hàng. Do đó, nhiều nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện mô hình bán lẻ đa kênh tại các thành phố lớn.
Điển hình, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã triển khai hoạt động cải tiến chuỗi cung ứng, thiết lập công cụ hỗ trợ quản lý trong công tác logistics đáp ứng cơ bản kịp thời cho tốc độ và yêu cầu phát triển củanhiều mô hình của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op. Cùng với đó, Saigon Co.op triển khai nghiên cứu mô hình vận hành kho Co.opfood phù hợp với kế hoạch tăng trưởng của hệ thống đến năm 2022; xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới hệ thống trung tâm phân phối (TTPP) tương ứng với sự phát triển chuỗi hệ thống kinh doanh Saigon Co.op đến năm 2025.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op thực hiện chiến lược hàng hóa và giá cả luôn được tập trung rà soát cho phù hợp với tình hình thị trường, nhu cầu của khách hàng; thí điểm áp dụng cải tiến các công tác khuyến mãi, trưng bày, trang thiết bị... Đặc biệt, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh phát triển thêm dịch vụ mới, kết hợp số hóa nhằm cung cấp thêm nhiều tiện ích, cá nhân hóa các dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho từng phân khúc khách hàng, gồm: Co.op+, Co.opLink, Scan & Go, khu dịch vụ tiện ích, khu kidzone, khu ăn uống trong khu tự chọn…
Còn đánh giá xu hướng tiện lợi là yếu tố số một trong việc một người mua hàng chọn một kênh bán hàng, nhiều nhà bán lẻ và nhà cung cấp đã chủ động chuyển hướng chiến lược đầu tư. Trong đó, để đáp ứng xu hướng tiện lợi, Lotte Mart còn có dịch vụ mua hàng tại cửa hàng và vận chuyển tận nhà. Những ứng dụng công nghệ được áp dụng mạnh mẽ trong năm 2020 để mang đến sự tiện lợi cho nhà bán lẻ và khách hàng như phần mềm quản lý bán hàng, máy POS, máy quét mã vạch...
Kết quả nghiên cứu về thị trường bán lẻ và xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam công bố cho thấy, xu hướng tiêu dùng mới đang làm thay đổi cách thức kinh doanh của nhà bán lẻ tại Việt Nam. Nếu trước đây nhà bán lẻ sẽ mở siêu thị, quảng bá hình ảnh, chạy liên tục chương trình khuyến mãi… nhằm thu hút khách hàng đến mua sắm, thì hiện nay họ chuyển hướng sang cắt giảm khâu bán hàng trung gian, chủ động toàn bộ khâu nghiên cứu, phát triển thị trường, thiết kế, sản xuất (nhãn hàng riêng), tiếp thị và phân phối hàng hóa.
Nhà bán lẻ tối ưu chi phí và tất cả những đặc quyền khi tiếp cận trực tiếp với khách hàng, gồm cả cơ hội cá nhân hoá thương hiệu và gắn kết với khách hàng. Sự thay đổi này mang lại tiện ích không chỉ cho người tiêu dùng, mà người sản xuất, người bán có thể kiểm soát hàng hóa từ đầu đến cuối. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào bán lẻ đã đẩy mạnh phát triển đột phá về tiêu chuẩn, đa dạng dịch vụ và xu hướng này được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Bài 3: Dẫn đầu thị trường thương mại điện tử