Cùng với những trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị... tại nhiều tuyến phố, khu dân cư đông đúc cũng dễ dàng tìm thấy đa dạng chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới... đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chính sự cạnh tranh gay gắt của thị trường đã tạo động lực cho cả nhà bán lẻ nội và ngoài chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại để giữ chân khách hàng.
Bài 1: Đổi mới mô hình bán lẻ
Trong giai đoạn 2016 - 2020, bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng của lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh là phát triển chợ truyền thống văn minh, khuyến khích đa dạng loại hình phân phối hiện đại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, giá cả cạnh tranh đến tay người dân... Theo đó, thói quen mua sắm của người tiêu dùng từng bước chuyển hướng văn minh, tiến tới xóa bỏ các điểm – khu vực kinh doanh tự phát hoạt động trên lòng, lề đường, gây an ninh trật tự giao thông và ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị của thành phố.
Quy hoạch chợ truyền thống
Việt Nam đã và đang bước vào một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, kinh tế cả nước nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng chịu tác động của sự vận động, phát triển của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, trên thị trường quốc tế có nhiều mặt hàng nguyên vật liệu như dầu thô, khí hóa lỏng, nông sản, phân bón… biến động không ngừng. Tất cả những yếu tố này, đã chi phối đến hoạt động giao thương quốc tế, lưu thông hàng hóa nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trước bối cảnh này, Tp. Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, cung ứng nguồn hàng với giá cả ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong đó, quy hoạch chợ truyền thống luôn được đánh giá là giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, vùng miền; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trong những năm qua.
Thống kê trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, hiện tại hệ thống phân phối, gồm: 238 chợ (3 chợ đầu mối; 14 chợ hạng I; 52 chợ hạng II; 169 chợ hạng III), 206 siêu thị (55 siêu thị hạng I; 72 siêu thị hạng II; 79 siêu thị hạng III), 49 trung tâm thương mại (20 trung tâm hạng I; 6 trung tâm hạng II; 23 trung tâm hạng III) và 2.656 cửa hàng tiện lợi. Đối với chợ truyền thống đã hình thành lâu đời, có mặt tại khắp 24 quận huyện trên địa bàn thành phố và vẫn đóng vai trò quan trọng là một phần không thể thiếu của người dân và là nơi khá gần gũi để người tiêu dùng đến tìm mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày.
Để chợ truyền thống tiếp tục khẳng định vị trí, thu hút được người dân đến mua sắm, ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh quy hoạch và quản lý chợ gắn với phát triển du lịch, định hướng chuyển đổi các mô hình quản lý chợ... Điển hình, Tp. Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng mô hình quản lý chợ theo kiểu mới, phát triển đa dạng mô hình quản lý chợ văn minh thương mại; công tác quản lý nguồn hàng, ngành hàng, nhãn mác, thời hạn sử dụng của các sản phẩm bán tại chợ... Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, buôn bán tự phát ở khu vực xung quanh chợ…
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, ngành công thương thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ chợ phát triển như phối hợp tổ chức nghiệp vụ quản lý cho ban quản lý, tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương; hỗ trợ tiểu thương vay vốn ngân hàng; thực hiện mô hình truy xuất nguồn gốc, thí điểm chợ an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, trên thực tế việc kêu gọi đầu tư sửa chữa, xây dựng mới mạng lước chợ gặp một số khó khăn như kém cạnh tranh hơn so với thu hút đầu tư vào những mô hình thương mại hiện đại khác.
"Chính vì vậy, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tập trung quy hoạch chợ truyền thống, giảm dần chợ ở trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, chỉ xây dựng chợ khi có nhu cầu thực sự của người dân. Ngoài ra, ngành Công Thương thành phố khuyến khích đa dạng thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác chợ đang hoạt động, đảm bảo phù hợp quy hoạch, sắp xếp lại khu vực kinh doanh ngành nghề để phát huy tối đa công suất của chợ..." ông Nguyễn Phương Đông chia sẻ thêm.
Phủ sóng cửa hàng tiện lợi
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn, nhưng cũng không kém phần cạnh tranh, nên đã đặt ra những thách thức đòi hỏi nhà bán lẻ tham gia vào thị trường phải có sự đầu tư căn cơ và phát triển hệ thống kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, để chủ động phát triển những mô hình thương mại văn minh, hiện đại, UBDN Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện cho nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.
Điển hình, mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi được xem là một điểm sáng trong phát triển hạ tầng thương mại của Tp. Hồ Chí Minh, khi không chỉ đưa hàng hóa thiết yếu đến tay người tiêu dùng, mà còn góp phần xóa những điểm bán buôn kém văn minh. Hiện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 2.656 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động đã mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam một cách thức mua sắm mới bên cạnh hình thức truyền thống như đi chợ hay siêu thị.
Tại hầu hết chuỗi cửa hàng tiện lợi đều kinh doanh thức ăn nhanh, chế biến tại chỗ... cho đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh đóng gói... Hơn thế nữa, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi còn đáp ứng nhu cầu khách hàng tìm kiếm những sản phẩm ngoại nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan...
Thống kê sơ bộ, tính đến tháng hết tháng 9/2020, chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafoods thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Satra, đã phát triển lên đến khoảng 200 cửa hàng và dự kiến trong năm 2020 sẽ khai trương thêm 10 cửa hàng. Còn Liên hiệp hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh - Saigon Co.op cũng thí điểm Co.op Smile vào cuối năm 2016 và đến nay đã có 99 cửa hàng; cửa hàng CHEER đã đưa vào hoạt động 39 cửa hàng. Co.opSmile và CHEER đã góp phần đa dạng hóa kênh bán lẻ hiện đại và phần nào đáp ứng thêm nhu cầu của người dân tại các khu dân cư trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Không kém phần cạnh tranh, nhiều nhà bán lẻ ngoại cũng tích cực tham gia chia thị phần "miếng bánh" này như chuỗi cửa hàng tiện lợi Speed L của siêu thị Lotte Mart (Hàn Quốc) đã ra mắt thị trường từ tháng 4/2018 và không ngừng mở rộng hệ thống. Hay chuỗi cửa hàng Ministop thuộc tập đoàn Aeon (Nhật Bản) được xây dựng và phát triển với sứ mệnh mang đến nụ cười cùng sự tiện lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, điểm danh trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh còn có thể kể đến đa dạng thương hiệu bán lẻ, gồm: FamilyMart, GS25, Circle K, Bách hóa xanh...
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Bích Thuận, cư ngụ tại Quận 2 cho rằng, khi nhịp sống hiện đại ngày càng bận rộn và hối hả thì nhiều bà nội trợ ưu tiên điểm mua sắm là cửa hàng tiện lợi. Mặt khác, trong những năm gần đây, chuỗi cửa hàng tiện lợi của nhiều thương hiệu uy tín cũng không ngừng nỗ lực tăng độ phủ sóng vào khu dân cư trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Còn theo chị Quyên Phạm, cư ngụ tại Quận 9, nếu trước đây, cửa hàng tiện lợi chủ yếu được ưu tiên mở ở những khu chung cư, tòa nhà văn phòng... để phục vụ người dân có thu nhập trung bình khá trở lên, thì hiện nay bất cứ người dân nào cũng có thể dễ dàng tìm đến cửa hàng tiện lợi để mua sắm. Tại cửa hàng tiện lợi, người dân nhanh chóng tìm được đa dạng mặt hàng thiết yếu, tiết kiệm thời gian mua sắm và hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Một số chuyên gia cũng đánh giá, mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam có sự ra đi của một số nhà đầu tư cũ, nhưng cũng không ít nhà đầu tư mới dấn thân tìm cơ hội, cũng như khai thác dư địa còn lớn của kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, ngành thương mại là một trong những ngành sôi động về thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng... Những điều này, không chỉ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, mà còn thay áo mới cho hạ tầng thương mại Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.
Bài 2: Kênh phân phối đa dạng tiện ích