Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp Củ Chi

Cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 70 km về phía Tây Bắc, Củ Chi đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá, trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch gắn với nông nghiệp tại nơi đây.

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch xanh, du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới, du lịch sinh thái đặc trưng của Củ Chi, Sở Du lịch thành phố đã thực hiện chuyến khảo sát các tuyến điểm, dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch…tại Củ Chi vào ngày 11/3.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố cùng đoàn khảo sát tại khu nông trang xanh

Đoàn khảo sát do ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đi khảo sát các điểm du lịch như:Khu di tích địa đạo Củ Chi, thăm khu đền tưởng niệm Bến Dược, Bến Đình, khảo sát mô hình du lịch kết hợp học tập và trải nghiệm tại khu du lịch Nông trang Xanh, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông và thăm quan trang trại cá Koi Hải Thanh (mô hình du lịch sinh thái mới).


Đại diện phòng kinh tế huyện Củ Chi cho biết, trong năm 2016, huyện đã thu hút khoảng 2 triệu lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng, doanh thu ước đạt 156 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015. Một số doanh nghiệp đưa nhiều du khách đến Củ Chi là Saigontourist, The Sinh Tourist, Fiditour, Thiên niên kỷ, Saigon River Tour… Tại Củ Chi, các tuyến du lịch đang được khai thác mạnh như: Địa đạo Củ Chi – kết hợp với các điểm sinh thái, nhà vườn, địa đạo Củ Chi kết hợp với các điểm nông trại xanh, khu nông nghiệp công nghệ cao, tour du lịch đường sông đến địa đạo Củ Chi và các điểm sinh thái, vườn cây trái ven sông Sài gòn. Tour du lịch trải nghiệm “một ngày làm nông dân” tại Củ chi kết hợp với các làng nghề truyền thống…

Du khách rất thích thú với sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp tại Củ chi.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, Củ Chi là huyện ngoại thành thành phố, có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, sông rạch nhiều nên rất thuận tiện cho phát triển các loại hình du lịch đặc trưng gắn với nông nghiệp, sông nước và hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay Củ Chi vẫn phát huy hết tiềm năng của mình để phát triển du lịch, nguyên nhân do cơ sở hạ tầng giao thông chưa thuận tiện, các dịch vụ du lịch chưa hoàn thiện, sản phẩm du lịch đã có song chưa được khai thác, công tác giới thiệu quảng bá du lịch chưa được rộng rãi tới người dân và du khách…


“Theo quy hoạch của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh, sắp tới để phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới tại Củ chi, nơi đây sẽ có các khu công viên vui chơi giải trí nghỉ ngơi Quốc tế và dọc sông Sài gòn sẽ có các khu du lịch mảng xanh liên hoàn tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp… Các dự án du lịch Củ Chi sẽ phát triển như: khu Thảo Cẩm viên Sài gòn 456,5 ha, khu công viên cây xanh thuộc khu đô thị Tây Bắc 1.139 ha, Công viên giải trí quốc tế 128 ha…… Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Củ Chi, Sở du lịch cũng đã phố hợp với huyện Củ Chi tổ chức các đợt khảo sát các điểm tham quan, mua sắm, nhà hàng, cơ sở lưu trú tại Củ Chi. Tích cực triển khai xây dựng đề án phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển du lịch sinh thái nhà vườn, nghỉ dưỡng ven sông Sài gòn… để thu hút nhiều du khách hơn", ông Vũ cho biết thêm.

Du khách có thể tham gia các trò chơi trên nước tại địa đạo Củ Chi

Phát biểu tại buổi khảo sát, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng, muốn đẩy mạnh phát triển du lịch của Củ Chi sắp tới thành phố sẽ hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của nơi đây. Đặc trưng của Củ chi là nông nghiệp, vì vậy phát triển du lịch cần gắn với nông nghiệp, nông nghiệp nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh…Do đó, huyện cần tích cực kêu gọi xã hội hóa để mở rộng liên kết với các công ty du lịch nhằm đưa du khách về nhiều hơn, biết đến nhiều hơn đến sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp của huyện. Ngoài ra, để phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch huyện Củ chi cần phát triển du lịch cần gắn hoạt động văn hóa, gắn với nhiệm vụ kinh tế để quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách trong và ngoài nước.


"Với diện tích bằng 1/4 diện tích của thành phố, nhưng dân số chỉ bằng 1 phường của các quận đông dân của thành phố, cho nên muốn phát triển du lịch nơi đây cần phải phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông, xã hội, dân cư...Trước hết, để kéo huyện Củ Chi gần với thành phố, thành phố sẽ xây dựng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Củ Chi -Mộc Bài, một khi có tuyến cao tốc này thì thời gian du chuyển tới Củ Chi sẽ phát triển nhanh hơn, khi đó du lịch, các cơ sở hạ tầng cũng sẽ phát triển nhanh hơn và nhiều du khách sẽ biết đến Củ Chi nhiều hơn", ông Tuyến cho biết thêm.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cùng đoàn khảo sát còn thắp hương tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đền Bến Dược, Củ Chi

Tham gia đoàn khảo sát, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng cho biết, với yêu cầu phát triển du lịch hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó phát triển các loại hình du lịch mới như du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn...là một sản phẩm mới để hút khách. Vừa qua, các doanh nghiệp tại Củ Chi cũng đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp để giới thiệu cho các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch này phát triển hơn, những sản phẩm du lịch nông nghiệp này cần được đầu tư, tạo thêm điều kiện phát triển chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến với Củ Chi nhiều hơn.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Triển lãm bản đồ Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế
Triển lãm bản đồ Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế

Triển khai chương trình quảng bá du lịch Việt Nam trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế - ITB Berlin 2017, ngày 10/3, các gian hàng du lịch Việt Nam đã tổ chức triển lãm bản đồ Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN