Phát huy thế mạnh trung tâm chế biến đồ gỗ quy mô cả nước

Tỉnh Bình Định là một trong bốn trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước. XK gỗ cũng chiếm tới hơn 60% giá trị hàng hóa XK của cả tỉnh, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch XK gỗ sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Nhân dịp Lễ hội Festival Lâm sản Việt Nam - Bình Định lần thứ I được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Định và ngành lâm sản về những mục tiêu chiến lược cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc: "Ưu đãi doanh nghiệp trồng rừng"

Tỉnh Bình Định đang quy hoạch quỹ đất, tạo điều kiện để các DN dễ dàng thuê đất trồng rừng nguyên liệu. Quỹ đất trồng rừng sẽ ổn định lâu dài 40 - 50 năm. Chúng tôi biết rằng phải có thủ tục cấp đất trồng rừng đầy đủ thì mới làm được thủ tục cấp chứng chỉ quản lý rừng FSC. Có chứng chỉ này thì giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ cao thêm 20 - 30%. Chúng tôi cũng đã tính đến những khoản tín dụng lớn, lãi suất ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho DN trồng rừng.

Sản xuất bàn, ghế gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty TNHH Công Danh (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm –TTXVN

Ngoài chuyện quỹ đất, hai vấn đề nữa là giống cây và công nghệ chế biến. Giống cây thì Bình Định có thuận lợi bởi chúng tôi đã đa dạng hóa nguồn giống, từ keo lai các dòng và bạch đàn cao sản đều sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô. Bình Định hiện có 400.000 ha rừng trồng. So với nhu cầu nguyên liệu thì diện tích này còn quá ít. Gần đây, tỉnh đã giao đất lâm nghiệp cho dân rất lớn, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục lập dự án trồng rừng cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho họ tiếp cận các khoản tín dụng ưu đãi để đầu tư trồng rừng. Làm mọi cách để đảm bảo người dân tham gia trồng rừng có một cuộc sống ổn định dưới tán rừng lâu dài. Đó là cái gốc cho câu chuyện về nguồn nguyên liệu ổn định.

Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định: "Đổi mới sản phẩm, công nghệ chế biến"

Cùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Định được xem là một trong bốn trung tâm chế biến đồ gỗ quy mô hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ của Bình Định vẫn cần có nhiều đột phá về chiến lược phát triển. Thứ nhất, do phụ thuộc nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài lên tới 70 - 80%, nên để phát triển bền vững, cần phải có giải pháp cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, giá hợp lý bằng cách quan tâm hơn nữa đến công tác trồng rừng, chế biến nguyên liệu. Với việc khan hiếm gỗ nguyên liệu hiện nay, có cách hay là sản phẩm phải đa dạng, kết hợp nguyên liệu sắt, thép, mây tre đan... cùng với gỗ để giảm việc phụ thuộc nguyên liệu gỗ, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Thứ hai, phải tập trung thay đổi cơ cấu sản phẩm, chuyển mạnh hơn nữa từ sản xuất gỗ ngoài trời sang gỗ nội thất để tăng mạnh giá trị sản xuất. Thứ ba, phải dành nguồn kinh phí để đầu tư nhà máy quy mô lớn và có công nghệ hiện đại, tiên tiến. Bởi hiện nay, trừ một số ít doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến thì đa phần các DN ngành gỗ Bình Định vẫn sử dụng công nghệ từ cách đây hàng chục năm. Để đổi mới công nghệ, một cách làm hay là phải kết hợp liên doanh liên kết, kêu gọi hợp tác đầu tư với DN nước ngoài để tiếp nhận công nghệ cao, có điều kiện thâm nhập tốt hơn vào hệ thống phân phối của các nhà nhập khẩu.

Cùng với các chiến lược phát triển trên, Bình Định cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần có sự hỗ trợ DN ngành gỗ tới công tác thiết kế mẫu mã, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu. Nhà nước cần tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định đối với điều hành tỷ giá, lãi suất, cung cấp điện, chính sách thuế... để giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Nhà nước cũng cần quy hoạch đất trồng rừng, tạo điều kiện giao đất cho doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ gỗ XK cấp chứng nhận FSC - CoC. Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu các giống cây trồng có năng suất cao, giúp nâng cao năng suất trồng rừng giúp nông dân, doanh nghiệp hào hứng hơn với công tác trồng rừng. Với đặc thù của ngành gỗ, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các DN ngành gỗ và trồng rừng được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi và dài hơi.

Viết Ý - Thu Hường
thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN