Phá giá NDT - Nước cờ rủi ro cứu kinh tế của Trung Quốc

Tỷ giá và biểu hiện kinh tế luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng việc Bắc Kinh mạnh tay phá giá đồng nhân dân tệ dường như đã gián tiếp xác nhận rằng các biện pháp nới lỏng trước đó, gồm giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, không có tác dụng chấn hưng nền kinh tế.

Đồng thời việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương-PBoC) liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (1,9% và 1,6% trong hai ngày 11, 12/8) đã thay đổi hoàn toàn kỳ vọng của thị trường.

Tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Liên Vân Cảng, Giang Tô.


Bề ngoài, Trung Quốc cho phép tỷ giá đồng nhân dân tệ có thể tăng có thể giảm, nhưng trên thực tế khả năng giảm lại lớn hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã bỏ lại đằng sau câu chuyện quốc tế hoá đồng nhân dân tệ.

Nhưng quan trọng hơn, nước cờ phá giá đồng nhân dân tệ được cho là tiềm ẩn đầy rủi ro, bất cứ lúc nào cũng có thể làm dấy lên làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc.

Ngày 11/8, ngay sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ chối đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ của quốc tế (SDR), Trung Quốc lập tức thông báo hạ giá đồng nội tệ. Theo đó, đồng nhân dân tệ giảm từ mức trước đó là 1 USD đổi được 6,1162 nhân dân tệ xuống còn 1 USD đổi được 6,2298 nhân dân tệ.

Theo các chuyên gia, quyết định của IMF như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến Trung Quốc đưa ra điều chỉnh nêu trên. Chuyên gia ngân hàng Commerzbank, Zhou Hou khi trả lời phỏng vấn tạp chí “Phố Wall” nhận định: “Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng hành động phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được xem như một phản ứng đối với quyết định của IMF, chứ không liên quan đến các chỉ số kinh tế”.

Với lần hạ giá này, đồng nhân dân tệ đã ở vào mức thấp nhất so với đồng USD trong gần ba năm trở lại đây, và đây cũng là lần giảm giá mạnh nhất trong hơn 20 năm qua, kể từ tháng 1/1994 - khi Trung Quốc bất ngờ giảm 1/3 giá trị đồng nội tệ.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc quyết định phá giá đồng nhân dân tệ do thời gian gần đây đà tăng trưởng của nền kinh tế nước này chậm lại, thị trường chứng khoán lao dốc, xuất khẩu hàng hóa giảm 8,3% do nhu cầu giảm từ 3 đối tác chính là Mỹ, Nhật Bản và EU, tăng trưởng GDP năm 2015 dự đoán ở mức dưới 7% - thấp nhất trong vòng 25 năm qua.

Nhà phân tích kỳ cựu của báo “The Guardian” tại London, Masafumi Yamomoto, lại bình luận: “Đồng nhân dân tệ đã trở nên quá đắt, trong khi các đồng tiền của các quốc gia châu Á khác rẻ hơn so với đồng USD. Trong những nỗ lực nhằm ngăn cản đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc, phá giá đồng nhân dân tệ là phương án duy nhất còn lại sau một loạt cố gắng bất thành của quốc gia này trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và hỗ trợ thị trường chứng khoán".

Tờ “Đông phương Nhật báo” (Hong Kong) ngày 12/8, cũng cùng chung quan điểm trên. Theo báo này, so với việc đồng nhân dân tệ được phá giá tổng cộng 2,4% trong năm 2014, quyết định phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% chỉ trong một ngày 11/8 cho thấy đây chưa phải là bước đi cuối cùng.

Cùng với việc đánh giá lại tình hình thị trường và hạ mức dự báo về tỷ giá, có thể dự đoán mức độ phá giá đồng nhân dân tệ năm nay sẽ lớn hơn năm ngoái. Số liệu kinh tế do Trung Quốc công bố nhiều tháng gần đây xấu đi và thị trường đã sớm dự đoán về khả năng cũng như sự cần thiết của việc phá giá đồng nhân dân tệ. Sau khi cân nhắc tình hình kinh tế vĩ mô, Trung Quốc có thể đã không còn cách nào khác ngoài việc phá giá đồng tiền này.

Trong tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Động thái phá giá đồng nhân dân tệ có giúp nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc hay không? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Có báo cáo đánh giá chỉ rõ giá thành chế tạo ở Trung Quốc không thấp hơn Mỹ là bao, và Mỹ lại có sức hút tương đối lớn về sự sáng tạo. Do vậy, ngoài việc phải rà soát lại vấn đề tỷ giá, đối với Trung Quốc, việc cần thiết hơn là phải nhìn lại sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của mình.


Cùng với việc chu kỳ tăng giá của đồng USD đang tới gần, quyết định phá giá đồng nhân dân tệ sẽ càng khiến Trung Quốc bị Mỹ chỉ trích về hành vi thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, để cứu chính mình, Trung Quốc đã không có biện pháp nào khác.

Trung Quốc biết rõ trong giai đoạn hiện nay, nếu đi ngược lại tiến trình quốc tế hoá, chính bản thân họ sẽ chuốc lấy hậu quả. Bên trong, Trung Quốc khuyến khích đầu tư xây dựng cơ bản, bên ngoài thúc đẩy chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, cộng thêm việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng cuối cùng vẫn không mang lại hiệu quả kích thích kinh tế lớn.

Lựa chọn phá giá đồng nhân dân tệ càng xác nhận thêm rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này thực sự đã “rất khó ở”. Nếu như dòng vốn tiếp tục chảy mạnh ra ngoài Trung Quốc, cái được của quyết định phá giá đồng nhân dân tệ có thể sẽ không thể bù được cái mất.

Năm 2015 là tròn 10 năm Trung Quốc tiến hành cải cách tỷ giá. Phương hướng cải cách là thúc đẩy thị trường hoá lãi suất và tự do hoá tỷ giá. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã nhiều lần thử giảm bớt sự can dự vào thị trường hối đoái.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào ngày 11/8 một lần nữa cho thấy “việc quản lý” tỷ giá vẫn tồn tại, và tới nay Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi tư duy và mô hình can dự của nhà nước vào thị trường.

Ngoài ra, quyết định phá giá đồng nhân dân tệ càng bộc lộ rõ thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với rủi ro “hạ cánh cứng” ngày một cao và Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đồng nhân dân tệ yếu.

TTK
12 đồng tiền sụt giá mạnh sau "cơn địa chấn" phá giá NDT
12 đồng tiền sụt giá mạnh sau "cơn địa chấn" phá giá NDT

Việc Trung Quốc liên tiếp điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) trong 2 ngày vừa qua đã khiến cho đồng nội tệ 12 nước sụt giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN