Peru-Việt Nam thúc đẩy tăng giá trị hạt cà phê

Hội thảo "Cà phê Peru" do Đại sứ quán Peru tại Việt Nam tổ chức diễn ra tại khách sạn Sheraton Hà Nội sáng ngày 7/7 trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch và văn hóa giữa Peru và Việt Nam.

Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam Luis Tsuboyama (trái) và Cố vấn thương mại ĐSQ Peru Đoàn Việt Dũng bên các sản phẩm cà phê của Peru.

Tham dự hội thảo có ông Luis Tsuboyama – Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cùng nhiều doanh nghiệp và người quan tâm đến hạt cà phê.


Trong bài phát biểu khai mạc, Đại biện Đại sứ quán Peru ông Luis Tsuboyama cho hay Peru là một nước xuất khẩu cà phê ở châu Mỹ Latinh, ngoài những tên tuổi đã quen thuộc với người tiêu dùng cà phê trên thế giới như Colombia, Brazil. Nhờ khí hậu thuận lợi và thổ nhưỡng tốt, Peru dù không phải là nước xuất khẩu lớn về sản phẩm cà phê nhưng lại là nơi cho ra đời những hạt cà phê Arabica có chất lượng hảo hạng.


Theo ông Luis Tsuboyama, xuất phát từ thực tế Việt Nam vừa là một nhà xuất khẩu cà phê lớn đồng thời cũng là một thị trường tiêu thụ cà phê, sản phẩm cà phê Peru được lựa chọn tham dự hội thảo "Cafe Peru" để truyền tải câu chuyện về đất nước và con người Peru. Đánh giá đây là một cơ hội tốt cho cà phê Peru, ông Luis bày tỏ tin tưởng hạt cà phê có thể mang hai đất nước xích lại gần nhau hơn, không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa các doanh nghiệp mà còn mở rộng ra trong lĩnh vực giao lưu văn hóa và phong cách sống của người dân.


Việt Nam và Peru đều là hai nhà sản xuất cà phê nhưng ông Luis đánh giá đây không phải là một thách thức với hai nước xét đến khả năng cạnh tranh trên thương trường. Ông cho hay, thứ nhất, Việt Nam sản xuất cà phê Robusta, thiên về vị, trong khi Peru sản xuất cà phê Arabica, thiên về hương. Thứ hai, phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam là cà phê nhân trong khi cà phê xuất khẩu của Peru là cà phê thành phẩm. Theo ông Luis, trong tương lai, Việt Nam có thể học hỏi kỹ thuật chế biến hạt cà phê của Peru, hai quốc gia đồng thời có thể chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê ra các thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam trao đổi tại hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Vinh cho hay, sự xuất hiện của cà phê Peru là một cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam thưởng thức chất lượng của loại cà phê khác ngoài các sản phẩm khác đã được biết đến của Colombia, Brazil...


Ngoài ra, theo ông Vinh, đây cũng là cơ hội để Việt Nam và Peru hợp tác nâng cao chất lượng cà phê nhằm đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường thế giới trong bối cảnh cả hai nước cùng là thành viên tham gia ký kết hiệp định TPP. Ngành cà phê Việt Nam có thể học hỏi hướng sản xuất cà phê hữu cơ của Peru, tiến tới xóa bỏ tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất gây nhiều hậu quả với môi trường trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, qua đó nâng cao tỷ lệ chế biến để tăng giá trị gia tăng của hạt cà phê cũng như nâng mức tiêu thụ nội địa.


Hội thảo "Cà phê Peru" diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới chào mừng ngày quốc khánh Peru (28/7) và kỷ niệm 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Peru và Việt Nam.


Vũ Anh
Cà phê thượng hạng Arabica khác biệt gì?
Cà phê thượng hạng Arabica khác biệt gì?

Trên thế giới hiện có hơn 70 loài cây cà phê, nhưng chỉ hai trong số đó, Arabica và Robusta, là có ý nghĩa công nghiệp và giá trị thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN