Kể từ ngày 1/1/2019, OPEC và các đồng minh, được biết đến với cái tên OPEC+, đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận này vừa hết hiệu lực vào ngày 30/6 vừa qua. OPEC đang cho thấy sự sẵn sàng trong việc gia hạn thỏa thuận nói trên, sau khi có thêm Iran tham gia cùng với các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thông qua một chính sách nhằm thúc đẩy giá dầu đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Các nước thành viên OPEC ngày 1/7 tiến hành họp bàn về chính sách sản lượng tại thủ đô Vienna (Áo), còn cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 2/7.
Việc đưa ra quyết định liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang đẩy giá dầu thô lên cao hơn.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh trong phát biểu với báo giới ngày 1/7 tại Vienna cho biết ông sẽ ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận thêm sáu đến chín tháng. Trong khi đó, truyền thông Trung Đông ngày 30/6 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Thamer Ghadhban cho biết ông mong đợi một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm sản lượng dầu sẽ được tiếp tục gia hạn từ sáu đến chín tháng nữa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/6 cho hay ông đã nhất trí với Saudi Arabia về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày thêm sáu đến chín tháng, nghĩa là đến tháng 12/2019 hoặc tháng 3/2020. Trao đổi với báo giới trước thềm diễn ra cuộc họp của bộ trưởng của các nước thành viên OPEC tại Vienna, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định tất cả các nước trong và ngoài OPEC đều ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận đạt được hồi tháng 12 năm ngoái.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih cho biết thời gian thực hiện cắt giảm sản lượng có thể được tăng lên chín tháng, nhưng lượng dầu cắt giảm vẫn được giữ nguyên ở mức 1,2 triệu thùng/ngày.