Nước mắm Phú Quốc - Hương vị di sản đảo Ngọc

Đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang là quê hương của di sản văn hóa đặc sắc “Nước mắm Phú Quốc truyền thống trăm năm” là “Hồn túy đảo Ngọc”.

Chú thích ảnh
Trưng bày giới thiệu sản phẩm nước mắm Phú Quốc (ảnh tư liệu).

Năm 2021, hương vị đảo Ngọc này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể, Tri thức dân gian cấp quốc gia nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc”. Với bề dày lịch sử hơn 200 năm, nghề truyền thống đó đã vượt qua những bước thăng trầm để trở thành niềm tự hào của người dân đảo Ngọc và nhân dân Việt Nam, góp phần tạo ra một điểm nhấn độc đáo cho du lịch Phú Quốc.

Nước mắm Phú Quốc truyền thống trăm năm

Nghề làm nước mắm Phú Quốc không chỉ là một phương thức sản xuất mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn bó sâu sắc với đời sống, sinh kế và tâm thức của cư dân đảo Ngọc. Nước mắm Phú Quốc mang những tính chất đặc trưng, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các sản phẩm cùng loại và chính đặc trưng đó làm nên thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc truyền thống trăm năm”, “Hương vị di sản đảo Ngọc”.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam chia sẻ, sự khác biệt của nghề nước mắm Phú Quốc đến từ điều kiện tự nhiên, với vùng biển Phú Quốc cung cấp nguồn cá cơm làm nguyên liệu chính, gồm các loại cá cơm than, cá cơm đỏ, cá cơm sọc tiêu và cá cơm phấn chì. Muối biển được sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận cũ) hoặc muối có chất lượng tương đương được bảo quản tối thiểu 60 ngày.

Theo đó, quy trình sản xuất truyền thống là cá được rửa sạch, loại bỏ tạp chất và muối ngay trên tàu theo tỉ lệ 2,5 - 3 cá:1 muối, chuyển về ủ chượp trong thùng gỗ hình trụ làm từ các loại cây như hộ phát, trai, bời lời với thời gian 12 - 15 tháng trong mái che tự nhiên. Quan trọng nhất, quá trình pha đấu nước mắm không được thêm bất kỳ chất phụ gia hay chất bảo quản nào. Ông Đặng Thành Tài, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc chia sẻ, đặc tính cảm quan là nước mắm Phú Quốc có màu cánh gián đậm đặc trưng, mùi thơm nhẹ, không tanh hay mùi amoniac; vị mặn, ngọt đậm, kèm theo vị béo tự nhiên, hậu vị ngọt béo của đạm tự nhiên và chất béo từ mỡ cá. Độ đạm tối thiểu 20gN/lít và tối đa 43gN/lít. Phú Quốc hiện có hơn 7.000 thùng ủ chượp cá, sản lượng nước mắm hàng năm khoảng 15 - 20 triệu lít.

Năm 2001, sản phẩm nước mắm Phú Quốc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng quốc gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa. Tháng 10/2012, nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý (PDO) trên thị trường của các nước thuộc liên minh châu Âu, khẳng định vị thế và chất lượng trên thị trường quốc tế. Đến năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa “Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những dấu mốc này tạo ra nền tảng vững chắc, mở ra cơ hội để thương hiệu nước mắm Phú Quốc vươn ra thị trường trong nước và thế giới.

Nâng tầm di sản kết giao với du lịch

Chú thích ảnh
Trưng bày giới thiệu sản phẩm nước mắm Phú Quốc (ảnh tư liệu).

Ông Ngô Thanh Vũ, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch - Sở Du lịch An Giang nêu, tỉnh đang định hướng phát triển mạnh về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế là hướng đi đúng đắn và tiềm năng nhất là đảo Phú Quốc có lợi thế về phát triển du lịch; trong đó, có làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng từ bao đời nay cần kết giao với du lịch. Để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc thì việc xây dựng bảo tàng làng nghề này là điều kiện hết sức cần thiết và do chính các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc tâm huyết xây dựng.

Xây dựng Bảo tàng làng nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa mà còn về kinh tế và du lịch. Bảo tàng này bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghề làm nước mắm Phú Quốc đã tồn tại hơn 200 năm và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bảo tàng giúp lưu giữ và truyền lại giá trị truyền thống cho thế hệ sau. Mặt khác, giới thiệu lịch sử, quy trình sản xuất và đặc điểm độc đáo của nước mắm Phú Quốc đến người dân và khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Qua đó, quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc, góp phần khẳng định vị thế của nước mắm Phú Quốc trên thị trường quốc tế; thúc đẩy du lịch Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối với các tour tham quan “nhà thùng” sản xuất nước mắm, chợ hải sản và các địa danh nổi tiếng khác trên đảo Ngọc.

Bên cạnh đó, Bảo tàng làng nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc gắn kết cộng đồng, nơi hội tụ ký ức, câu chuyện và kỹ thuật của nhiều thế hệ người dân Phú Quốc, tạo nên bản sắc riêng biệt, đồng thời tôn vinh người làm nghề, ghi nhận công lao và sự khéo léo của những người thợ thủ công đã gìn giữ nghề truyền thống qua nhiều thế hệ. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nước mắm Phú Quốc không chỉ là gia vị mà còn là biểu tượng của sự tinh túy trong ẩm thực Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng bảo tàng, Phú Quốc cần hỗ trợ cho những “Nhà thùng” danh tiếng nâng lên nghề truyền thống nước mắm phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm trên đảo. Cụ thể là giới thiệu, bày bán sản phẩm; giới thiệu về nghề sản xuất nước mắm, quy trình đánh bắt cá cơm, ủ chượp, nếm thử vị nước mắm nguyên chất đang được nhỉ từ thùng, quy trình đóng chai thành phẩm; chụp ảnh lưu niệm khi tham quan nhà thùng…

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam nêu, tỉnh cần tổ chức lễ hội nước mắm Phú Quốc thường niên - Festival Nước mắm truyền thống Phú Quốc để quảng bá sinh động sản phẩm, thu hút du khách. Xây dựng Bảo tàng làng nghề nước mắm Phú Quốc nhằm tạo ra một điểm đến du lịch độc đáo, trưng bày quy trình sản xuất, giới thiệu lịch sử, văn hóa nghề và bán sản phẩm tập trung; tăng cường truyền thông đa dạng, sử dụng các kênh thông tin chính thống, website, mạng xã hội để giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của nước mắm, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Phú Quốc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch trải nghiệm, khuyến khích mô hình “nhà thùng mở” kết hợp du lịch phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất, nếm thử và mua sắm tại chỗ; đồng thời đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp phục vụ du lịch tại các “nhà thùng”.

Ngoài ra, Phú Quốc cần hỗ trợ đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ, khuyến khích giữ gìn nghề, cải tiến công nghệ phù hợp nhưng vẫn giữ nguyên quy trình truyền thống. Phú Quốc nâng cao vai trò của Hội Nước mắm Phú Quốc trong việc tổ chức sản xuất, bảo vệ quyền lợi hội viên và tạo tiếng nói chung; tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất - doanh nghiệp - cơ quan quản lý - nhà khoa học để phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch.

Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc Trần Minh Khoa nhấn mạnh, Phú Quốc xác định phát triển bền vững nghề nước mắm là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phú Quốc cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai các giải pháp tích cực, đồng bộ để tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc ra thế giới; phát triển du lịch gắn với văn hóa làng nghề nước mắm, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của đặc khu.

Nước mắm Phú Quốc không chỉ là một sản phẩm thực phẩm mà còn là tài sản trí tuệ và văn hóa quý giá. Việc quản lý hiệu quả và phát triển bền vững “Hương vị di sản đảo Ngọc”, góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế và thúc đẩy du lịch sinh thái bền vững cho đặc khu Phú Quốc.

Bài và ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Tái tạo nguồn cá cơm - Giữ hồn nước mắm Phú Quốc
Tái tạo nguồn cá cơm - Giữ hồn nước mắm Phú Quốc

Với lịch sử 200 năm, nước mắm Phú Quốc (An Giang) đã trở thành sản phẩm nổi tiếng, niềm tự hào của người dân "đảo Ngọc" nói riêng và người dân Việt Nam trên khắp thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN