Về BOT Cai Lạy (Tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ đối tác công tư –PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ngày 14/3, tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất ngày 25/3 thu phí trở lại BOT Cai Lậy và miễn giảm từ 5km lên 10km, tương ứng 8 xã, phường lên 31 xã, phường. Tuy nhiên, đến nay Nhà đầu tư, địa phương và Bộ Giao thông Vận tải chưa thống nhất được phương tiện miễn giảm, vì số lượng nhiều, nên khi nào công tác này hoàn thành sẽ tổ chức thu lại…”.
Liên quan đến hư hỏng tại một số mái che phần cầu thang cuốn nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), thừa nhận các vị trí trên còn một tồn tại. Nguyên nhân, do quá trình thi công hoàn thiện có bổ sung hạng mục nên có những va đập làm hư hỏng tại một số vị trí. Đối với các tấm kính bị vỡ, có hiện tượng phá hoại trong quá trình hoàn thiện…
“Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu Tổng thầu EPC tăng cường bảo vệ tại các nhà ga và sửa chữa toàn bộ những hư hỏng. Dự án chưa nghiệm thu nên các tồn tại này thuộc trách nhiệm của nhà thầu…”, ông Phương khẳng định.
Về tiến độ dự án Cát Linh – Hà Đông, ông Phương cho biết: “Đến nay đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục công trình nhà ga, cây xanh, cảnh quan… Bên cạnh đó, để vận hành khai thác thương mại dự án đường sắt đô thị, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, vì vậy chúng tôi đang quyết tâm chỉ đạo tổng thầu hoàn thiện các hồ sơ để nghiệm thu, các công đoạn này phấn đấu hoàn thành trong tháng 4”.
Nói thêm về dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, để đưa dự án vào khai thác thương mại còn nhiều việc phải làm. Trong đó, quan trọng nhất không chỉ xây dựng mà là thủ tục nghiệm thu để đưa vào khai thác.
“Cụ thể, phải đánh giá an toàn hệ thống, đăng kiểm tất cả các thiết bị, nghiệm thu hội đồng, nghiệm thu nhà nước… và việc hoàn thành các thủ tục này là rất áp lực. Quan điểm là phải thực hiện đẩy nhanh dự án, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó khăn, vì không thể đưa một dự án chưa đảm bảo an toàn, chưa nghiệm thu vào khai thác thương mại được…”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Trả lời báo chí về quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải với đề xuất hạn chế, cấm xe máy ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ở Myanmar hay một số thành phố lớn ở Trung Quốc tiến hành cấm xe máy. Việc hạn chế hay cấm phương tiện cá nhân như xe máy trong đô thị là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đi đôi với việc hạn chế hay cấm phương tiện cá nhân như xe máy, Nhà nước phải đáp ứng tốt nhu cầu vận tải công cộng và đáp ứng tốt việc kết nối các loại hình vận tải trong đô thị; kết nối tốt với giao thông tĩnh, kể cả những bến, bãi đỗ, gửi xe để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
“Ở nước ngoài thường có những bãi đỗ xe ngay khu trung tâm tàu điện ngầm hay tàu trên cao hoặc bãi xe buýt, để người dân có thể đi xe cá nhân (ô tô hoặc xe máy) tới gửi tại đó”, ông Ngọc cho hay và khẳng định các giải pháp nêu trên phải thực hiện đồng bộ với nhau mới đem lại hiệu quả.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu ý kiến, trước mắt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí sau này đến các thành phố lớn khác cũng có nhu cầu hạn chế hoặc cấm xe máy. Do đó, việc xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, trong đề án sẽ phải xem xét đến tất cả các phương tiện và các phương thức đi lại để tổ chức giao thông, lộ trình áp dụng. Đây mới là điều quan trọng, để làm sao đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới xây dựng đề án, còn rất nhiều khâu phải làm như nghiên cứu, đánh giá: Nhưng quan điểm chung là phải xây dựng đề án và phải tổ chức giao thông với nhiều phương thức khác nhau, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo thuận tiện đi lại cho người dân…
Liên quan đến vấn đề chậm, hủy chuyến bay, ông Đinh Việt thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định so với thế giới việc chậm, hủy chuyển ở Việt Nam không lớn (15%). Tuy nhiên, có những chuyến bay chậm dài, đặc biệt việc ứng xử của một số hãng chưa chuyên nghiệp khiến hành khách bức xúc.
Với chỉ đạo mới đây của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Thắng cho biết sẽ bổ sung chế tài liên quan đến cấp phép bay: “Cụ thể, các slot (giờ cất, hạ cánh) lịch sử của các hãng sẽ không được công nhận khi slot chậm hủy chuyến cao, đây là chế tài nặng. Bên cạnh đó, bổ sung các yêu cầu liên quan đến giờ bay dự bị cho các đường bay của các hãng, để ứng phó thay đổi lịch bay. Đồng thời, thành lập hai trung tâm điều hành sân bay, với sự tham gia của các hãng hàng không, nhà cung ứng dịch vụ tại sân bay để có quy chế, quy trình phối hợp cùng ra quyết định điều phối…”, ông Thắng khẳng định.
Về dự án đầu tư xây dựng nhà ga T3 – Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, ngày 26/3, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 2756/TTr-BGTVT tình Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng khôngTân Sơn Nhất. Căn cứ thực tiễn và các quy định đầu tư, nhà ga hành khách T3 sẽ có 4 phương án đầu tư xây dựng: Giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP (công tư). Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Xem xét, chấp thuận cho ACV tổ chức thực hiện dự án xây dựng nhà ga T3 – Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Trước những thắc mắc về việc giao đất cho ACV đầu tư xây dựng dự án nhà ga T3 - Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo gửi tới Thủ tướng trình 4 phương án mở rộng Tân Sơn Nhất, phương án giao cho ACV thực hiện đầu tư là phù hợp.
“Về vấn đề giao đất có nhiều tồn tại, trong quá trình giao đất chúng tôi sẽ thực hiện theo luật đất đai. Ban đầu sẽ giao đất lại cho UBND TP Hồ Chí Minh, sau đó mới giao lại cho Cảng hàng không Tân Sơn Nhất về Bộ Giao thông Vận tải”, ông Phương cho hay.
Cũng trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Hiện tại, Chính phủ giao cho ACV quản lý 21 cảng hàng không theo quy định của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), về cơ bản là quản lý các cảng hàng không đều do ACV. Hiện, hành lang pháp lý đang hạn chế, các cấp thẩm quyền đang xem xét tính đồng bộ khi xây dựng, mở rộng các cảng hàng không”.