Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2023, từ đầu năm nhiều mặt hàng nông sản như: rau quả, gạo, cà phê… đã có những bứt phá mạnh mẽ và điều này được các chuyên gia dự báo sẽ góp phần quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm nay.
Ngay từ tháng đầu năm, riêng xuất khẩu rau quả đã mang về giá trị 510 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngành hàng này duy trì mức tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu hàng hóa cho Tết Nguyên đán của Trung Quốc tăng cao và sự đóng góp mạnh mẽ của mặt hàng sầu riêng. Ngay khi sầu riêng Việt Nam được mở cửa sang thị trường này, sầu riêng đã nhanh chóng nắm giữ vị trí thứ hai (chiếm 35% thị phần) chỉ sau Thái Lan (65% thị phần).
Trong tháng 2 và tháng 3 khi các nước như Thái Lan, Malaysia không còn sầu riêng, sầu riêng Việt sẽ tiếp tục được bán với giá cao. Việt Nam hiện đã xuất khẩu sầu riêng tới hơn 20 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm qua tăng cao, đã góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD ngành rau quả.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, sầu riêng sẽ tiếp tục là mặt hàng chiến lược của ngành rau quả trong năm 2024. Nếu năm nay mở cửa được sầu riêng đông lạnh thành công, giá trị xuất khẩu sầu riêng tươi, đông lạnh và chế biến có thể đạt kim ngạch khoảng 3 – 4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đánh giá, thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Qua quá trình làm việc với các tập đoàn của Trung Quốc, Ameii nhận thấy tiềm năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến.
Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc là thị trường mang lại hiệu quả kinh doanh tốt cho doanh nghiệp trái cây, nếu tạo dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng.
“Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ tiếp tục lập thêm đỉnh mới, có thể là 6,5 - 7 tỷ USD. Để đón đầu cho các sản phẩm sẽ được ký Nghị định thư như chanh dây, bơ, dừa và sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.
Từ đầu năm 2024, nhiều tin vui cũng đến ngành lúa gạo Việt Nam khi nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ về xuất khẩu gạo đã được ký kết. Mở đầu là 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu, cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia. Đây là những hợp đồng xuất khẩu gạo mở đầu cho năm mới Giáp Thìn. Các doanh nghiệp trúng thầu sẽ giao hàng trong tháng 2 và 3/2024 và đây là thời điểm Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Ngoài ra, phía Indonesia đang có kế hoạch tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo năm 2024.
Hàn Quốc năm nay cũng có thể tổ chức 9 lần mở thầu để nhập khẩu gạo từ một số nước trên thế giới, tuỳ thuộc vào tình hình nguồn cung trong nước. Trong số đó, quốc gia này dành cho Việt Nam tổng lượng hạn ngạch là trên 55.000 tấn.
Đầu tháng 2, Việt Nam cũng đã ký biên bản ghi nhớ bán 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm cho Philippines trong 5 năm. Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2024 khi nước này công bố nhu cầu nhập khẩu kỷ lục là 3,8 triệu tấn gạo/năm. Hiện gạo của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của thị trường nhập gạo của Philippines.
Trong khi đó, Ấn Độ, nơi cung ứng tới khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Đây là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp gạo đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó có Việt Nam.
Những cơ hội, tiền đề trên đã khẳng định qua tháng đầu tiên của năm, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 500.000 tấn với kim ngạch 296 triệu USD, tăng 39,4% về khối lượng và tăng 59% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, xuất khẩu cà phê cũng đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 623 triệu USD, tăng 61,6% về khối lượng và tăng hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê trong nước và thế giới liên tục tạo đỉnh mới. Hiện giá cà phê trong nước đã vượt 80.000 đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Theo Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm đến cà phê Việt Nam. Năm 2023, các doanh nghiệp gần như "vét sạch" kho hàng để xuất khẩu. Mới chỉ đến tháng 6/2023, người dân đã không có cà phê bán và phải chờ niên vụ mới.
Với tình hình giá cà phê liên tục phá đỉnh như hiện nay, dự báo nguồn cung cà phê trong nước cũng sẽ sớm cạn kiệt khi sản lượng niên vụ 2023-2024 dự kiến giảm 10%, đạt khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn.
Trong các thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đoàn công tác sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, chính quyền nhân dân một số tỉnh. Qua đó, Trung Quốc đồng ý sẽ mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt là xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo. Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam...
Cùng với việc chỉ đạo sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu từng thị trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đặc biệt là mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Bộ cũng phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.