Nông nghiệp thúc đẩy sản xuất đảm bảo mục tiêu quý I

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng chỉ đạo, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo đạt mục tiêu quý I, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Đông xuân 2021- 2022. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ngay từ đầu xuân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Từ đó, các tỉnh phía Bắc cũng đã phát động trồng cây vào dịp này. Với thời tiết mưa nhỏ ở hầu hết các địa phương phía Bắc đã giúp cho việc trồng cây, trồng rừng được thuận lợi.

Để việc trồng rừng, trồng cây xanh đạt chất lượng, hiệu quả, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo sử dụng giống tốt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, vật tư, nhân lực, kinh phí. Các địa phương, đơn vị đã tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng; coi trọng cả trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán, ưu tiên trồng cây bản địa, đa mục tiêu ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử; hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu trồng 244.000 ha rừng; trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 6.000 ha; trồng rừng sản xuất 238.000 ha; trồng cây phân tán 121 triệu cây.

Tiếp tục phát huy kết quả cao đạt được trong đợt 1 và đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2021-2022 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Tổng cục Thủy lợi cũng đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trong khu vực tiếp tục vận hành các công trình thủy lợi để hoàn thành cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Đợt 3 lấy nước đã bắt đầu từ 0 giờ ngày 13/2, dự kiến kéo dài đến 24 giờ ngày 17/2.

Tranh thủ thời gian, điều kiện các địa phương trong khu vực vẫn tích cực lấy nước vào đồng ruộng để sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân có thể bắt tay ngay vào làm đất, gieo cấy. Nhờ đó, trước khi lấy nước đợt 3, diện tích đủ nước toàn vùng đã đạt hơn 98% kế hoạch; trong đó, hầu hết các địa phương đã lấy nước đạt 100% kế hoạch nên đợt 3 sẽ được điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước xả từ các hồ chứa thủy điện.

Sau Tết Nguyên đán, các địa phương đã khẩn trương tổ chức làm đất và gieo cấy, gia cố bờ vùng, bờ thửa đảm bảo không thất thoát, lãng phí nước. Đồng thời, tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng.

Trước dự báo, các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện chủ yếu trong tháng 2/2022, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn và một số giải pháp để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ. Đặc biệt, các địa phương tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C. Địa phương cũng chuẩn bị tốt nhất điều kiện làm đất, vật tư để khẩn trương gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi.

Với những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, đặc biệt đối với vùng cao, vùng được dự báo thiếu hụt nước, Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các địa phương cần chuyển đổi sang các loại cây rau màu khác như ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn phải có sự chỉ đạo thành vùng, hướng dẫn lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, gói kỹ thuật thâm canh phù hợp.

Qua chuyến công tác kiểm tra sản xuất vụ Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, thời tiết năm nay thuận lợi cho lúa và hoa màu; nguồn nước dồi dào cho làm đất, gieo cấy. Các địa phương cần tập trung tiêu nước đệm trong hệ thống, giải tỏa vật cản trên sông trục, mương máng đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho lúa và cây màu; đồng thời đề nghị địa phương chỉ đạo nông dân tập trung nhân lực, phương tiện để tận dụng những ngày nắng ấm.

Người dân đã ứng dụng nhiều biện pháp cấy tiên tiến. Thời gian tới, bà con cần sử dụng hiệu quả, hợp lý phân bón, vật tư đầu vào, đồng thời xuống giống dứt điểm toàn bộ diện tích gieo cấy trước ngày 28/2, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ.

Không chỉ lúa, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ Đông; thu hoạch kịp thời cây vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng. Đồng thời, chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây màu vụ Xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh…. trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp trước, sau Tết Nguyên đán. Các địa phương sẽ không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, tránh ngây thiệt hại cho nông dân, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho nhấn mạnh.

Trước các đợt rét, thậm chí là rét đậm, rét hại nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng tích cực khuyến cáo người dân áp dụng các giải pháp để chống rét cho vật nuôi. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ đã sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương vận động người dân thực hiện “3 không, 3 có” trong chăn nuôi (3 không: không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không dấu dịch; 3 có: có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi; có tiêm phòng cho gia súc).  

Các địa phương phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; hướng dẫn nông dân chủ động, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, rạ, cỏ khô…) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng và một cây rơm, rạ đảm bảo bình quân 5-7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét.
 
Các đơn vị chuyên môn tuyên truyền người chăn nuôi không chủ quan, lơ là trong chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng chống bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt cần có kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau rét đậm, rét hại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành luôn theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm gia súc, gia cầm.

Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị điều phối tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thương vụ, ngoại giao đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Bích Hồng (TTXVN)
Hà Nội hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Hà Nội hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thành phố Hà Nội hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó: có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN