Tuy nhiên, theo nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ, họ đăng gặp khó khăn do không có đơn vị nào chứng nhận và cũng chưa có tiêu chí rõ ràng về sản xuất hữu cơ.
Khó tiêu thụ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng các loại phân bón hóa học nên năng suất giảm, hơn nữa phải mất thêm nhiều công lao động do không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Bên cạnh đó, việc không sử dụng các loại thuốc hóa học nên đất trồng phải có thời gian nghỉ. Do vậy, chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn từ gấp rưỡi tới gấp đôi so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Chi phí sản xuất cao nên các sản phẩm hữu cơ cũng có giá cao gần gấp đôi so với các loại sản phẩm nông nghiệp thông thường.
Trồng rau công nghệ hữu cơ ở huyện Bình Đại và huyện Ba Tri (Bến Tre). Ảnh: Thu Hiền - TTXVN |
Bên cạnh đó, người tiêu dùng lại chưa thực sự tin vào các sản phẩm nông sản hữu cơ vì trong nước chưa có đơn vị đứng ra đánh giá chất lượng. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2006 Bộ đã ban hành hành tiêu chuẩn ngành số 10TCN 602-2006 cho các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết: “Tiêu chuẩn này chỉ như một nghị định hướng dẫn về mặt nguyên tắc sản xuất mà chưa có các hướng dẫn chi tiết về việc sản xuất hữu cơ. Do vậy, người sản xuất hữu cơ không thể dựa vào đó để sản xuất hữu cơ, các cơ quan chứng nhận cũng không thể dựa vào đó để hướng dẫn, chứng nhận”.
Thực tế, trong thời gian qua, một số công ty gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm hữu cơ có giá cao nhưng lại không có chứng nhận. Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica cho biết: “Chúng tôi lập trang trại sản xuất hữu cơ từ năm 2011, việc tiêu thụ ban đầu gặp rất nhiều khó khăn vì không có cơ quan nào chứng nhận là sản xuất hữu cơ. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, công sức để chứng minh cho người tiêu dùng về việc sản xuất hữu cơ. Tới cuối năm 2015, khi chúng tôi được chứng nhận sản xuất hữu cơ của các đơn vị nước ngoài thì việc tiêu thụ nông sản hữu cơ của chuỗi thực phẩm này đã tăng 30 - 50%”.
Chủ trang trại Hoa Viên (Thạch Thất, Hà Nội), bà Trương Kim Hoa cho biết: “Quy mô của chúng tôi là 30 ha trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, nhưng hiện trong nước chưa có quy định công nhận sản phẩm hữu cơ nên doanh nghiệp (DN), người sản xuất chưa có cơ sở để chứng minh chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi cũng đang gặp nhiều khó khăn để tiêu thụ sản phẩm”.
Xây dựng quy chuẩn không khó
Nhiều DN, người sản xuất hữu cơ đang mong Nhà nước sớm có bộ quy định cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ để giúp DN khẳng định niềm tin với người tiêu dùng, người tiêu dùng cũng an tâm hơn khi phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm hữu cơ.
Trong khi chưa có cơ sở trong nước chứng nhận, nhiều hộ sản xuất, DN đã phải tìm đến tổ chức nước ngoài để chứng nhận chất lượng cho sản phẩm hữu cơ. Ví dụ, hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ Organica đã được chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA organic) và Liên minh châu Âu (EU) cho trang trại rau ở Đồng Nai, Công ty CP Trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn) được một đơn vị của Nhật Bản cấp chứng nhận hữu cơ (Organic) cho sản phẩm thịt lợn hữu cơ... nhiều DN khác thì tìm đến tổ chức Control Union chuyên về để kiểm định quá trình canh tác và cấp chứng nhận hữu cơ, nhưng chi phí được đánh giá là khá đắt đỏ khiến cho DN e ngại đầu tư.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để đưa ra một bộ tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ không khó. Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc của chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết: “Ở nước ngoài có các đơn vị chứng nhận độc lập, họ sẽ dựa vào các bộ tiêu chí sản xuất hữu cơ được Nhà nước đưa ra để chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất hữu cơ. Bộ NN&PTNT có thể tham khảo tiêu chuẩn của các nước để tạo ra bộ sản xuất hữu cơ, giống như việc xây dựng tiêu chuẩn VietGap theo GlobalGap. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải có những đơn vị giám sát, nếu không sẽ xảy ra tình trạng cấp chứng nhận VietGap như hiện nay”.
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica cho biết: “Những nước xung quanh Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan… đã có những bộ tiêu chí đánh giá và chứng nhận về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Việc xây dựng các bộ tiêu chí này không khó khăn và các doanh nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng đang rất mong mỏi Nhà nước sớm đưa ra được tiêu chí về sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.
Về vấn đề này, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Với việc phát triển ngày càng nhanh của lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian tới Cục sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chí nông sản hữu cơ. Cục đang lựa chọn loại tiêu chuẩn nào có nhu cầu nhất để làm trước. Trước mắt, Cục đang tập trung rà soát lại để giảm số tiêu chí trong VietGap từ hơn 60 xuống còn 19 tiêu chí”.
“Tôi đã khảo sát nhiều cơ sở sản xuất an toàn thấy rằng, các sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do sự lẫn lộn giữa sản phẩm an toàn và không an toàn. Do đó, đòi hỏi phải có sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi đang rà soát lại các chính sách để bổ sung, hoàn thiện, khuyến khích doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất các sản phẩm an toàn, tạo thị trường ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam |