Tại hầu hết các địa phương, mực nước trên các ao hồ, sông suối giảm nhanh trong khi nhu cầu tưới nước cho cây trồng tăng mạnh.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông kiểm tra việc vận hành trạm bơm nước từ hồ Tây (trung tâm huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đi các hồ, đập lân cận đã cạn kiệt để cung ứng nước cho người dân chống hạn.
Hồ thủy lợi cạn kiệt, phải bơm nước từ hơn 2km
Đắk Mil hiện là địa phương có diện tích trồng các loại cây công nghiệp lâu năm lớn và tập trung nhất tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là một trong 3 huyện phía Bắc Đắk Nông, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nắng hạn kéo dài, dẫn tới thiếu nước tưới trên diện rộng.
Gia đình ông Nguyễn Công Ngãi ở thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil có hơn 2 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Ông Ngãi cho biết gia đình tưới đợt 2 chưa xong thì nguồn nước ở hồ 40 (thôn Đắk Thọ) đã cạn kiệt. Hiện, trên lòng hồ có khoảng 30 máy bơm tranh thủ tận dụng những vũng nước cuối cùng để bơm tưới cho cây trồng.
“Năm nay nước rút nhanh quá. Nông dân chúng tôi trở tay không kịp. Hiện mỗi ngày có mấy chục máy bơm túc trực ven hồ 40, còn nguồn nước về hồ chủ yếu phụ thuộc vào máy bơm của Chi nhánh Đắk Mil, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông. Tính ra nếu bên họ bơm nước về hồ liên tục thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của bà con”, ông Ngãi chia sẻ với phóng viên.
Cũng theo một số nông dân tại thôn Đắk Thọ, hiện mới vào cao điểm mùa khô và dự kiến nông dân phải bơm tưới khoảng 2 – 3 đợt (mỗi đợt cách nhau khoảng 20 – 25 ngày) thì trời mới có mưa. Khi nguồn nước tại hồ 40 cạn kiệt hẳn thì bà con phải thuê bơm nước từ hồ Tây (trung tâm thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) về xã Đắk Lao với khoảng cách ngắn nhất cũng hơn 2 km. Và chi phí cho việc bơm, tưới cũng tăng khoảng 3 lần so với sử dụng nguồn nước tại chỗ.
Tại các huyện phía Nam tỉnh Đắk Nông như Đắk R’lấp, Tuy Đức, tình hình hạn hán có phần đỡ gay gắt hơn nhưng việc đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái vẫn rất chật vật. Nhiều nông dân phải thuê máy móc múc sâu ao hồ để tích trữ nước nhằm chủ động hơn trong việc chống hạn.
Từ cuối tháng 3/2025, anh Nguyễn Ngọc Bình ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đã thuê máy đào ao sâu thêm khoảng 3 – 4 mét để có thêm nguồn nước tưới cho gần 3 ha cà phê trồng xen hồ tiêu. Anh Bình cho biết giá cả cà phê tăng cao nên mấy năm nay nhiều hộ dân đẩy mạnh việc trồng mới. Các hộ dân đã trồng, canh tác lâu năm cũng tập trung việc chăm sóc, tưới nước, bón phân trong mùa khô. Kết quả là nguồn nước từ các ao hồ, sông suối ngày càng khan hiếm. Và nhiều nông dân không còn cách nào khác hơn là phải từ lo nạo vét ao hồ để tích trữ nước chống hạn, dù hiệu quả thực tế thì chưa dám chắc và vẫn phụ thuộc vào thời tiết.
Hàng nghìn ha thiếu nước tưới
Nước được điều tiết từ hồ Tây (trung tâm huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) về buôn Xri, Đắk Lao, huyện Đắk Mil để hỗ trợ người dân chống hạn cho cây trồng.
Theo UBND huyện Đắk Mil, tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài đang khiến gần 5.000 ha cây trồng trên địa bàn có nguy cơ thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, gần 300 hộ gia đình có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vào cuối mùa khô nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài.
Tại huyện Krông Nô, một số khu vực có cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là dọc suối Đắk Sôr, đang bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nước tưới. Nếu thời tiết tiếp tục khô hạn, nguy cơ hạn hán sẽ đe dọa khoảng 1.000 ha cây trồng tại các xã ven suối.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, tỉnh đang bước vào cao điểm của mùa khô. Trong các ngày qua, các địa phương phía Bắc tỉnh trải qua nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại nhiều địa phương thuộc các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil dao động từ 35 – 37 độ C, độ ẩm thấp nhất khoảng 50%, dòng chảy các sông suối tiếp tục giảm mạnh. Nhiều sông suối nhỏ đã gần như cạn kiệt. Toàn tỉnh có hơn 30 ao hồ do Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý hiện đã cạn kiệt nước.
Theo ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, đến tháng 3/2025, tình trạng hạn hán đã bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn ha cây trồng, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Trước tình hình này, từ giữa tháng 3/2025, ngành chức năng đã bắt đầu điều tiết nước tại một số địa bàn để chống hạn. Cụ thể, nước được chuyển từ hồ Tây và một số hồ lân cận thuộc huyện Đắk Mil để bổ sung cho vùng hạn thuộc các huyện Đắk Mil và Krông Nô.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, toàn tỉnh có gần 240.000 ha đất trồng cây lâu năm, chiếm hơn 63% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cà phê là loại cây lâu năm có diện tích lớn nhất với 145.000 ha; kế đến là hồ tiêu với diện tích hơn 33.000 ha; sầu riêng với diện tích gần 13.500 ha… Đây đều là các loại cây cần đảm bảo nước tưới trong mùa khô. Mùa khô năm 2024, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 12.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Hầu hết diện tích cây trồng này giảm năng suất khiến nông dân thất thu và ảnh hưởng tới nhiều niên vụ sau.
Liên quan tới tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới trong mùa khô năm nay, UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông tổ chức theo dõi, triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế hậu quả hạn hán, thiếu nước tưới cho phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực. Giao UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các diện tích có nguy cơ thiếu nước tưới và báo cáo đề xuất các giải pháp, phương án khắc phục để báo cáo UBND tỉnh xử lý kịp thời.
Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo đơn vị vận hành các công trình thủy lợi điều tiết nước hợp lý giữa các công trình để cung ứng nước kịp thời cho người dân chống hạn; giao các đơn vị vận hành các hồ thủy điện điều tiết nước, duy trì dòng chảy môi trường theo đúng quy định để đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ du hồ, đập. UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước trên địa bàn huyện Cư Jút và huyện Đắk Mil (với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng) nhằm đảm bảo các công trình được đưa vào đúng tiến độ, kế hoạch và cung ứng nước kịp thời cho người dân sản xuất, sinh hoạt.