Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định “nới” tín dụng, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực. Tại các trung tâm giao dịch bất động sản ở Hà Nội số lượng người khảo giá đã tăng lên. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản sẽ ấm lại.
Khảo giá tăng đột biến
Đang ngán ngẩm với việc đăng quảng cáo rao bán ngôi nhà 4 tầng tại ngõ 189, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên với giá dưới 2,7 tỉ đồng mà chưa bán được. Bỗng dưng trong 2 - 3 ngày gần đây, ngày nào chị Bình cũng tiếp khoảng 5 - 7 khách xem nhà và mặc cả giá. Theo chị Bình, nếu cách đây chỉ 1 tháng, khách thường hỏi bắt đầu bằng câu: “Chị có nhà bán phải không?”, thì nay đã thay bằng câu: “Chị đã bán ngôi nhà đó chưa?”.
Khách hàng tìm hiểu thị trường tại sàn bất động sản Housing (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Lê Phú |
Trước việc khoảng một tuần trở lại đây, lượng khách hỏi thăm về giá nhà, đất tại văn phòng tăng vọt, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Thổ Kim, số 15 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, hầu hết lượng khách tìm hỏi mua nhà đất là các đối tượng đang có nhu cầu thật. Giá trị mua nhà, đất của các đối tượng này chủ yếu nằm ở mức trên dưới 3 tỉ đồng.
Nhiều chủ sàn giao dịch BĐS phía tây Hà Nội cũng cho biết, diễn biến hỏi thăm giá nhà, đất, chung cư một tuần lại đây bắt đầu nhộn nhịp, nhưng giao dịch thật thì chưa nhiều.
Theo các đối tượng đến tham khảo giá ở các sàn BĐS, giá nhà đất hiện tại đã hợp lý để mua. Tuy nhiên, chưa có nhiều người quyết định mua nhà vào thời điểm này vì vẫn kỳ vọng giá nhà, đất còn giảm nữa.
Tại trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội), nếu như năm 2010, giá chung cư giao dịch từ 27 - 29 triệu đồng/m2 thì nay bên bán đang giao là 21 - 23 triệu đồng/m2. Một số chung cư cao cấp tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, ví dụ như tòa nhà Hatuco, giá chào bán còn 16,5 - 17 triệu đồng/m2, trong khi cùng thời điểm này năm 2011 giá từ 23 - 24 triệu đồng/m2. Đối với thị trường chung cư phía đông Hà Nội như tại khu đô thị Việt Hưng, chủ đầu tư đã giảm giá gốc thêm 10%, xuống khoảng 21 triệu đồng/m2.
Bất động sản kỳ vọng ấm từ cuối năm
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người bỗng sốt sắng theo dõi thị trường BĐS. Điều này xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa lãi suất huy động tiền gửi giảm về mức 12%/năm (sớm hơn dự kiến). Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN còn khẳng định, tín dụng đã “nới” 100% với BĐS. Ngân hàng không chỉ cho người có nhu cầu mua nhà vay mà cho cả các đối tượng vay để đầu tư BĐS. Trước quyết định “nới” tín dụng với BĐS, cộng với triển vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm về 10% trong tương lai gần, các nhà phát triển thị trường và nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường BĐS sẽ ấm lại vào cuối năm nay.
Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khi có tín hiệu tích cực về chính sách vĩ mô, tín dụng… thị trường sẽ đi lên. “Nếu lãi suất huy động giảm về 10%/năm và lãi suất đầu ra vào khoảng 13 - 15%, thị trường BĐS sẽ ấm lại”, ông Chung nhận định.
Nhìn về triển vọng BĐS đến năm 2015, ông Chung cho rằng “rất sáng”, do sức cầu với BĐS tại hai thị trường Hà Nội và TP. HCM vẫn rất lớn. Hiện nay, một số dấu hiệu cho thấy lạm phát đã được kiểm soát. Tình hình đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản đã được cải thiện, lãi suất đã giảm so với đầu năm. Các yếu tố này có khả năng sẽ kích hoạt dòng tiền đang nhàn rỗi quay lại thị trường BĐS.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, nhiều công cụ tài chính cho BĐS do cơ quan này dự thảo đang chuẩn bị trình Chính phủ. Cụ thể, trong tháng 4 này, Bộ sẽ trình Chính phủ Dự thảo thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở với 2 mô hình tạo lập vốn để cho người có nhu cầu (các đối tượng thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở) được vay mua, thuê nhà.
Ngoài ra, cơ hội vốn của thị trường cũng rất khả quan bởi Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế, chính sách tổ chức các nguồn vốn mới cho thị trường như vốn từ chứng khoán, từ trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), nguồn vốn viện trợ ODA…
Theo ông Hà, với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những địa chỉ đầu tư BĐS hàng đầu. “Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, họ muốn tìm kiếm địa chỉ để đầu tư các dự án đô thị sinh thái”, ông Hà cho biết.
Xuân Hương