Nỗ lực để hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel sớm 'về đích'

Năm 2023 đánh dấu 30 năm Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Đây sẽ là cơ hội tốt để Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, đặc biệt là thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) sớm “về đích”. Đó là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung với phóng viên TTXVN tại Tel Aviv.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN ngày 5/12. Ảnh: Văn Ứng/PV TTXVN tại Israel

Đại sứ Lý Đức Trung cho biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển vững chắc, trong đó có VIFTA, Hiệp định hợp tác lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trao đổi mô hình kinh tế tập thể và các biện pháp ứng phó với bệnh dịch cũng như các kịch bản bất lợi của kinh tế thế giới. 

Thời gian qua, Đại sứ quán cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Israel, trong đó có khai trương Phòng trưng bày các sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại Đại sứ quán nhằm giới thiệu sản phẩm mẫu của các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam. Việt Nam đã có doanh nghiệp đầu tiên khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Tel Aviv để kết nối, thúc đẩy hợp tác với thị trường đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Israel và ký kết hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tế bào cũng như công nghệ mới trong xây dựng. Việt Nam cũng có tập đoàn lớn đầu tư nhiều chục triệu USD vào thị trường nghiên cứu và phát triển tại Israel. Đại sứ quán đã tích cực hỗ trợ Phòng thương mại Israel - Việt Nam, mới khai trương tháng 3/2022, trong việc triển khai các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. 

Đại sứ Lý Đức Trung đã tham gia rất nhiều hoạt động quảng bá kinh tế trực tuyến của các địa phương trong nước và tích cực thu xếp chương trình thăm cho các đoàn công tác của các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam và các địa phương khác tới Israel tìm hiểu và triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại và đầu tư với các đối tác sở tại. Đặc biệt, các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học và các địa phương của Israel như Eilat, Ashdod, Modi’in, Haifa và một số thành phố khác đóng vai trò là cầu nối quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam và trao đổi các cơ hội hợp tác song phương về kinh tế, thương mại. Đại sứ cũng dành rất nhiều thời gian đến tiếp xúc, làm việc với các địa phương, tổ chức của Israel, đồng thời tham dự hầu hết các hội chợ triển lãm lớn về nông nghiệp thông minh, công nghệ y tế, công nghệ thông tin để tìm hiểu thông tin và kết nối hợp tác ngay khi có cơ hội...

Theo Đại sứ Lý Đức Trung, công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam tại Israel có nhiều thuận lợi, do hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức được 29 năm, hỗ trợ cho hợp tác kinh tế, thương mại phát triển tích cực. Người dân Israel rất yêu mến Việt Nam; người dân Việt Nam rất ngưỡng mộ dân tộc Do Thái với những thành tựu vượt bậc trong nghiên cứu khoa học, trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, coi đó là nguồn cổ vũ cho thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc sống, trở thành ưu tiên trong hợp tác song phương trong tương lai. 

Về khó khăn, đầu tiên phải kể đến sự khác nhau về phương pháp tiếp cận. Đại sứ Lý Đức Trung nhận xét: "Hầu hết các doanh nghiệp Israel đều khởi nghiệp từ đầu, họ rất thực dụng và thực tế, quyết liệt trong nghiên cứu và triển khai; luôn nêu cao tinh thần thử sai, dám đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống và mưu sinh. Đây là điểm các doanh nghiệp của ta cần lưu ý". Ngoài ra, do giá cả sinh hoạt tại Israel rất đắt đỏ, nguồn lực của các cơ quan đại diện hạn hẹp cả về nhân lực và vật lực nên các hoạt động xúc tiến kinh tế thương mại vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của cả hai nước. Một điểm hạn chế nhỏ nữa là khác biệt về văn hóa, thời gian làm việc giữa hai nước… khiến quá trình phối hợp giao thương cũng có lúc chưa thuận lợi. 

Chia sẻ về những định hướng nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế trong thời gian tới, Đại sứ Lý Đức Trung cho biết năm 2023 sẽ đánh dấu 30 năm Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Đây sẽ là cơ hội tốt để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Mục tiêu là phấn đấu để đưa kim ngạch song phương sớm đạt khoảng 3 tỷ USD trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở nền tảng trao đổi thương mại giữa hai bên ngày càng tích cực, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch song phương khoảng 30% năm và dự kiến đạt mức khoảng 2,2 tỷ USD trong năm 2022. 

Đầu năm 2023, các đoàn đàm phán của hai nước về VIFTA sẽ tổ chức vòng đàm phán cuối cùng. Hai bên đều hy vọng sẽ hoàn tất được toàn bộ các nội dung đã thảo luận suốt 11 năm qua để có thể ký kết và triển khai thực hiện hiệp định trong thời gian sớm nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, các địa phương và bộ, ngành hai nước. 

Bên cạnh đó, Đại sứ quán sẽ tiếp tục làm việc với các hiệp hội và bộ ngành của Israel để tháo gỡ những nút thắt liên quan đến đàm phán hiệp định hợp tác lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mở cửa thị trường tiềm năng này trong tương lai, giúp người lao động Việt Nam có thể tiếp cận được với môi trường lao động chứa đựng hàm lượng chất xám và công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng hàng đầu thế giới phục vụ cả nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu của Israel. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Israel không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Đại sứ quán sẽ triệt để áp dụng những bài học thành công của công tác ngoại giao vaccine thời gian qua trong triển khai công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Đại sứ Lý Đức Trung nhấn mạnh cộng đồng người Việt tại Israel có khoảng 500 kiều bào, chưa kể hàng trăm sinh viên hằng năm sang thực tập, bồi dưỡng theo chương trình hợp tác tu nghiệp sinh nông nghiệp. Đại sứ quán đã liên tục tổ chức gặp mặt nhằm gắn kết hơn nữa kiều bào với quê hương, cội nguồn và truyền tải thông điệp mong muốn bà con trở thành cầu nối mở rộng hơn nữa mạng lưới những người bạn của Việt Nam tại Israel. Đại sứ chia sẻ: "Tôi cho rằng cộng đồng kiều bào có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với nước sở tại. Họ chính là các 'đại sứ' về văn hóa, du lịch, thương hiệu để giới thiệu các sản phẩm Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, thủy hải sản, may mặc giày da… tới người tiêu dùng Israel".

Vũ Hội - Văn Ứng (TTXVN)
Việt Nam, Israel hướng tới thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế
Việt Nam, Israel hướng tới thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế

Năm 2023 sẽ đánh dấu 30 năm Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Đây sẽ là cơ hội tốt để Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, đặc biệt là thúc đẩy hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel sớm “về đích”. Đó là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung với phóng viên TTXVN thường trú tại địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN