Theo thống kê, tỉnh hiện có 106 công trình thủy lợi, cấp nước. Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, khai thác vận hành 54 công trình thủy lợi gồm các hồ chứa, đập dâng và trạm bơm; UBND các huyện, thành phố quản lý, khai thác vận hành 52 công trình thủy lợi là các đập dâng nhỏ nằm trên các nhánh sông, suối và 26 công trình thủy lợi đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển phòng, chống lũ, triều cường. Ngoài ra, tỉnh có 4 khu neo đậu tránh trú bão chứa trên 3.620 chiếc tàu, thuyền các loại.
Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chi cục đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi, các địa phương tiến hành kiểm tra thực tế các công trình thủy lợi, sông suối, cảng cá để đánh giá mức độ an toàn, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, đơn vị đề xuất tỉnh bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình, hạng mục có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến tình hình thời tiết, kiểm tra tình hình an toàn hồ chứa. Đồng thời, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc vừa đảm bảo an toàn hồ chứa vừa thực hiện trữ thêm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đối với các hồ chứa có cửa van, các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, thông tin dự báo mưa để hạ thấp mực nước hồ xuống, chủ động đón lũ, không để xảy ra tình trạng phải xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du; đồng thời, tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp.
Để bảo vệ an toàn cho các công trình thủy lợi trước những diễn biến bất thường của thời tiết, các đơn vị liên quan phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các hồ chứa, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; thường xuyên kiểm tra các thiết bị xả lũ, máy phát điện, dự trữ nhiên liệu dự phòng cho các thiết bị vận hành. Các đơn vị gửi thông báo xả lũ cho chính quyền địa phương để phổ biến đến nhân dân vùng hạ du và các cơ quan có liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ du đến nơi an toàn.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai ứng phó, phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão theo nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có mưa, bão, lũ, thiên tai xảy ra để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của người dân.
Tỉnh đã và đang huy động hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn từ Trung ương, địa phương đầu tư các công trình thủy lợi, đê, kè biển để ứng phó khẩn cấp với thiên tai. Tính riêng trong giai đoạn năm 2019 đến nay, Ninh Thuận đã triển khai xây dựng các dự án như: Kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải); dự án khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp do bão, lũ một số đoạn trên tuyến đê biển Đông Hải; đê kè biển Phú Thọ (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); kè chống sạt lở khu vực cảng Cà Ná (huyện Thuận Nam); tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh và tuyến đường gom thuộc dự án đập hạ lưu sông Dinh (huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm). Các dự án trên có tổng vốn đầu tư gần 355 tỷ đồng.