Nhóm dịch vụ y tế chưa tăng giá, giáo dục giảm, giúp hạ nhiệt CPI

Sáng 29/9, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: Trong 9 tháng năm nay, nhóm dịch vụ y tế chưa tăng giá theo đúng lộ trình; giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (ngoài cùng bên trái) thông tin về tình hình giá cả.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Mỹ. Trong tháng 8/2022, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng lên mức cao kỷ lục 9,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 8,3%, tuy thấp hơn mức tăng 8,5% của tháng trước nhưng cao hơn kỳ vọng làm Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 5 vào ngày 21/9/2022 để thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2022 của Thái Lan tăng 7,9%; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 9/2022 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước.

“Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát”, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết.

Theo TCTK, CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. 

Một số chính sách rất hiệu quả như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động…

Tuy nhiên theo TCTK, trong tháng 9/2022, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đã đẩy CPI tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý 3/2022 tăng 3,32% so với quý 3/2021. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Trong mức tăng 0,4% của CPI tháng 9/2022 so với tháng trước, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất với 5,84%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,48% do thời gian miễn, giảm học phí trong đại dịch tại nhiều địa phương đã kết thúc.

Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022 - 2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 1,41%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,92%; bút viết các loại tăng 0,9% so với tháng trước.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,94% chủ yếu do giá thuê nhà thực tế tăng 8,16%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,07%; giá dầu hỏa tăng 0,06%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,18%, tác động CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý III/2022 là do: Giá xăng dầu trong nước bình quân quý III/2022 tăng 21,77% so với cùng kỳ năm trước với 25 đợt điều chỉnh (11 đợt giảm giá), giá các mặt hàng thực phẩm quý III/2022 tăng 2,33%, giá gas trong nước biến động theo giá thế giới...Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 9 tháng năm nay là: Giá dịch vụ giáo dục giảm; giá bưu chính viễn thông giảm 0,42% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm. 

Trong 9 tháng năm nay, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 1,19% so với quý trước và tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 0,65% và tăng 10,15%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 0,53% và giảm 1,18%.

Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 8,31% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 10,86% ; tỷ giá thương mại hàng hóa giảm 2,3%.
Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể tác động đến CPI những tháng cuối năm
Tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể tác động đến CPI những tháng cuối năm

Nhờ các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi và được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh. Mặc dù kiểm soát tốt lạm phát trong 8 tháng qua, nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN