Nhiều trang trại 'treo' chuồng vì giá lợn xuống quá thấp

Giá lợn hơi giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg, giá lợn giống giảm từ 1 triệu đồng xuống còn 300.000 đồng/con. Thất vọng trước việc giá lợn xuống quá thấp, nhiều gia trại đã treo chuồng vì không đủ sức tiếp tục chăn nuôi và gánh lỗ.

Bà Nguyễn Thị Lâm, ở xã Minh Tân, Huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã phải treo chuồng vì giá lợn xuống quá thấp.

Tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, một năm trước, khi giá lợn hơi lên cao, hợp tác xã đã vận động người dân nuôi lợn để cải thiện thu nhập. Nhưng từ nửa cuối năm 2016 tới nay, giá lợn liên tục rớt giá khiến người chăn nuôi ngày càng chán nản.

“Chưa bao giờ giá lợn hơi lại thấp như hiện nay. Đợt gần Tết Nguyên đán, may mắn chúng tôi bán được một lứa 50 lợn với giá 30.000 đồng/kg. Vừa rồi, chúng tôi bán tiếp lô lợn còn lại với giá 22.000 đồng/kg. Nếu để tới bây giờ mới bán chắc phá sản. Vì hiện nay, thương lái thu mua lợn với giá chỉ 18.000 - 22.000 đồng/kg”, bà Nguyễn Thị Lâm, một hộ nuôi lợn ở xã Minh Tân, Thủy Nguyên cho biết.

Theo bà Lâm, không chỉ giá lợn hơi giảm giá mạnh, giá lợn giống cũng “lao dốc không phanh”, từ 1 triệu đồng/con giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá thức ăn cũng tiêu tốn hàng triệu đồng mỗi ngày. Do vậy, nhiều hộ chăn nuôi trong xã đã quyết định “treo” chuồng để cắt lỗ và nghe ngóng thị trường.

Tương tự, tại xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, giá lợn hơi hiện chỉ từ 18.000 đồng/kg, mức giá này đã duy trì hơn một tháng nay. Nhiều gia đình cũng quyết định “treo” chuồng để đợi tín hiệu thị trường.

Gia đình Văn Quyết ở xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ trước đây có 300 đầu lợn. Vừa qua, anh phải bán bớt 200 con lợn mặc dù bị thua lỗ nặng nề, hiện anh vẫn tiếp tục bán để thu hồi vốn.

“Lỗ cũng phải bán vì càng nuôi càng lỗ hơn. Mỗi ngày mất 1,5 triệu tiền cám thì không thể chịu nổi. Bán nốt đợt này chúng tôi sẽ 'treo' chuồng, tạm dừng một thời gian mới tiếp tục nuôi”, anh Quyết nói.

Theo anh Quyết, bán mỗi con lợn anh lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng, anh đã bị thua lỗ khoảng 450 triệu đồng. Thức ăn chăn nuôi cũng không thấy giảm giá. Hiện nông dân chủ yếu bán lợn cho thương lái nên bị ép giá mạnh. Nhiều gia trại khác cũng phải bán tháo lợn để cắt lỗ và bớt công chăm sóc.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi (NN&PTNT), để “giải cứu” thịt lợn cho bà con nông dân, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các bộ ngành, các đơn vị vũ trang, địa phương… cùng mua thịt lợn, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng cam kết hạ giá thành, chia sẻ với người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Giữa tháng 4/2017, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai, đây là tỉnh có số đầu lợn cao nhất cả nước với 1,7 triệu con, sản lượng lợn thịt xuất chuồng khoảng 3 triệu con/năm. Theo đó, Đồng Nai đã đồng ý cho Hiệp hội chăn nuôi của tỉnh tổ chức thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi”.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã thu mua lợn hơi cho người chăn nuôi với giá 30.000 đồng/kg (cao hơn thịt trường 10.000 - 12.000 đồng/kg). Đồng thời, tỉnh đã bố trí các điểm bán thịt lợn với giá hợp lý từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg để giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông Trọng, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng tiến hành khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi. Với các hành động cụ thể này, mong rằng bà con nông dân sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Trọng cho biết, cấp bách là giảm đàn lợn nái. Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy nhanh đàm phán xuất khẩu lợn chính ngạch sang Trung Quốc và một số nước khác.

Bài và ảnh: H.V/Báo Tin Tức
'Giải cứu' chăn nuôi, một doanh nghiệp cam kết thu mua 40.000 con lợn
'Giải cứu' chăn nuôi, một doanh nghiệp cam kết thu mua 40.000 con lợn

Sáng 3/5, Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Lebio Việt Nam đã thu mua 330 con lợn từ trang trại của ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Hòa Bình, xã Đô Nhân, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN